Đọc Rạng danh tài trí Việt năm châu làm mình nhớ đến một chuyện. Mình từng xem một chương trình phỏng vấn đường phố tại Trung Quốc. Khi được hỏi “bạn liên tưởng về điều gì khi nhắc đến Việt Nam?” hầu hết các câu trả lời nhận về là người Việt Nam lạc hậu, đói nghèo, phong kiến, quê mùa, học chăm nhưng không đủ giỏi.

Mình – một người được sinh ra và lớn lên ở Việt Nam cũng khó lòng mà phủ nhận những điều này hoàn toàn. Đặc biệt, thế hệ ông bà cha mẹ ta – những người phải lớn lên trong đói nghèo, trong xã hội phong kiến với nhiều sự phân biệt đã tiếp nhận một nền giáo dục, tư duy hạn hẹp, thậm chí họ còn di truyền hướng giáo dục như thế cho các thế hệ sau này.

Tuy nhiên, không phải ai trưởng thành trong khó khăn cũng chấp nhận số phận như thế. Vẫn có những con người, ít nhất là 21 tấm gương trong Rạng danh tài trí Việt năm châu đang âm thầm, lặng lẽ mang đến giá trị cho cộng đồng thông qua các cống hiến, phát minh của họ trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu, khởi nghiệp, kinh doanh, giáo dục, công nghệ.

Điều gì tạo nên những con người giỏi giang đó?

  • Bối cảnh xuất thân tốt?
  • May mắn gặp cơ hội/ người tốt?
  • Điều kiện kinh tế tốt?
  • IQ cao, thông minh hơn người thường?
  • Và hàng trăm ngàn điều kiện ưu tú khác của “con nhà người ta?”

Phải, có người mang bối cảnh xuất thân tốt đến độ người ta biết đến cô là “con gái của …” thay vì danh xưng của chính cô. Con đường cô đi không chỉ để mang đến giá trị cho mọi người mà còn để thoát mác “con gái của …”

Có người gặp được cơ hội và những con người tốt bụng, giúp đỡ họ rất nhiều trong con đường phát triển sự nghiệp, nhưng không ai biết rằng để gặp được những cơ hội, những con người đó, họ đã phải vượt qua, đối diện, và chuẩn bị những gì. Cơ hội không phải sung rụng, cứ nằm há miệng chờ là được.

Điều kiện kinh tế tốt và thông minh không phải là yếu tố cốt lõi của thành công, nên người có hai yếu tố này không đồng nghĩa với việc họ có thể thành công một cách dễ dàng.

Mình nhận ra dù là người có xuất phát điểm tốt hay không thì bí quyết thành công của họ đều nằm ở thái độ sống và làm việc. Cuốn sách Rạng danh tài trí Việt năm châu sẽ là sẽ thắp sáng ngọn lửa đam mê và duy trì cho bạn động lực trên con đường học tập và sự nghiệp tuyệt vời. Đây chắc chắn là tựa sách kỹ năng mà bất kỳ bạn trẻ nào cũng nên đọc qua một lần.

Định kiến thường thấy và thái độ, quan điểm cần học trong Rạng danh tài trí Việt năm châu

Du học là đua đòi, là cuộc chơi của những kẻ có tiền

Trước đây mình không hiểu tại sao nhiều người muốn đi du học trong khi họ có thể tiếp nhận những kiến thức tương tự ở trong nước. Tại sao lại có người từ chối học bổng toàn phần ở một trường học “cũng được” ở nước ngoài, để cố gắng chạm đến một ngôi trường hàng đầu về chuyên ngành của họ? Tất cả câu trả lời sẽ có ở đây. 

“Trường Đại học quốc gia Singapore (NUS) gửi thư mời sang học nhưng anh nghĩ những người giỏi nhất đều ở Mỹ và anh muốn học tập tại môi trường giáo dục số một thế giới này” – Phạm Thành Thái.

Mình khá phân vân không biết có nên trích dẫn câu nói trên ra không, vì khi đứng một mình không có bối cảnh, nó trông như một kẻ ngạo nghễ, thể hiện một con người tham lam và đua đòi. Tuy nhiên, mình tán đồng sâu sắc với câu nói đó vì một trải nghiệm của bản thân.

Mình từng đứng nhất lớp toàn học sinh dở, cá biệt, không muốn học, nhưng vị trí này không làm mình vui vẻ. Ngược lại, mình thấy mất dần động lực, không còn biết cố gắng học để làm gì nữa. Cảm giác đó kéo dài cho đến khi mình may mắn được học tập trong một tập thể toàn người giỏi và bản thân trở thành kẻ kém nhất trong đây. Dù thời gian đầu bản thân khá tự ti nhưng sau khi làm quen được môi trường học tập đó, mình nhận ra sự tiến bộ. Mặc dù những cá nhân giỏi khác không trực tiếp giúp mình cái gì, nhưng sự nỗ lực, kiên trì, chăm chỉ của họ đã gián tiếp kéo mình theo. Mình cố gắng nhiều hơn để theo kịp tốc độ và thành tích của họ.

Trong Rạng danh tài trí Việt năm châu, không chỉ có một người nói cho bạn biết khi chọn môi trường học hãy chọn nơi tập trung nhiều người giỏi nhất có thể, thậm chí họ biến bạn thành kẻ kém nhất.

Cô nàng nghiên cứu sinh tại Mỹ _ Nguyễn Sao Ly cũng nói rằng “nếu bạn là người giỏi nhất trong một căn phòng, bạn đã ở nhầm phòng. Vì thế, cô rất quan trọng việc chọn môi trường để mình có thể học hỏi, hoàn thiện, tạo động lực bản thân từng ngày.”

Quan điểm này cũng được thể hiện qua sự cứng đầu của nhà khoa học Nguyễn Việt Hùng. Dù được nhận 3 suất học bổng toàn phần nhưng anh từ chối hết cả ba để sau đó tìm được học bổng ở viện nghiên cứu tốt hơn gấp nhiều lần ở Đại học New South Wales.

Phấn đấu, kiên trì, nỗ lực chỉ là chuyện của riêng những con người với xuất phát rất thấp

Điều này đúng một phần.

Trần Mạnh Chánh Quân sinh ra ở Việt Nam với chứng bại não nhưng chính anh cũng được ví như Da Vinci trong lĩnh vực lập trình, người tạo nên những mã code rất đẹp.

Với xuất phát điểm thấp, tiếng Anh kém, Nguyễn Hoàng Quân phải chấp nhận làm thêm không lương ở quán pizza mỗi ngày để rèn luyện tiếng Anh. Dù mỗi ngày chỉ có thể ngủ 3-4 tiếng do vừa học vừa làm, nhưng anh vẫn cố gắng đạt điểm A trong tất cả các môn.

Vậy người không gặp khó khăn về tài chính, kinh tế và ngôn ngữ thì sao? Con đường họ đi thuận lợi không gặp phải bất cứ khó khăn nào ư?

quan điểm cần học trong Rạng danh tài trí Việt năm châu

Hoa khôi du học sinh Việt – Vũ Nam Phương trả lời bạn là không. Cô cũng có “những đêm không ngủ, những khoảnh khắc căng thẳng, suy nhược thần kinh, bệnh tật, tự ti, yếu đuối của bản thân…” Dù thời gian eo hẹp bởi 7 lớp mỗi kỳ, thực tập 16 tiếng một tuần nhưng cô vẫn cố gắng đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và vốn sống.

Theo tiến sĩ Vũ Thành Long “Mình quan niệm là mình đang ở trong một cuộc lội ngược dòng nước, trong đó mình liên tục tự đặt ra các mục tiêu, ước mơ ngày càng lớn và đồng thời khắc phục các hạn chế của bản thân để đạt được mục tiêu, ước mơ đó. Rồi lại mơ tiếp.”

Họ giỏi là chuyện của họ không liên quan đến mình

Bạn có biết những con người tài giỏi đang cố gắng làm gì không? Họ phát triển chuyên môn để mang đến lợi ích, giá trị cho cộng đồng và bản thân. Họ mở ra nhiều cơ hội cho học sinh, sinh viên Việt Nam để chúng ta có thể chạm gần hơn đến ước mơ của bản thân. Họ không quên chia sẻ và làm từ thiện để:

“Xoa dịu những mảnh đời bất hạnh và góp phần tạo nên sự thay đổi trên thế giới” _  Phạm Nguyễn Đăng Trình. 

Tùy vào lĩnh vực mình theo đuổi, bạn có thể tìm thấy cơ hội phù hợp nếu cố gắng vì rất nhiều người đi trước đang mở ra con đường cho các bạn trẻ Việt Nam. Chẳng hạn, giáo sư Vũ Ngọc Tâm trao học bổng tiến sĩ toàn phần cho nhiều bạn sinh viên Việt Nam để tạo điều kiện học tập và làm việc trong môi trường giáo dục hàng đầu ở Mỹ.

quan điểm cần học trong Rạng danh tài trí Việt năm châu

Giáo sư Vật Lý Phạm Quang Hưng có nói: “Hãy coi những người đi du học là một nguồn nhân lực dự trữ và họ sẽ cống hiến hết sức mình cho đất nước, quê hương bằng cách này hay cách khác.” Ông cũng là cầu nối giữa đại học Huế với một số đại học quốc tế trong các chương trình Vật lý tiên tiến, nên giáo sư có thể tạo nhiều cơ hội quý báo cho nghiên cứu sinh trẻ Việt Nam gặp những chuyên gia hàng đầu thế giới và các nghiên cứu sinh từ các nước khác.

Hay như anh Phan Minh Liêm cùng nhóm của mình và các trường đại học bệnh viện, viện nghiên cứu Việt Nam tổ chức các khóa học về ung thư cho gần 400 bác sĩ, dược sĩ, nhà khoa học, sinh viên để cung cấp kiến thức quan trọng và mới nhất về điều trị và phòng ngừa ung thư.

Tiến sĩ Vũ Duy Thức sáng lập Quỹ VietSeeds để hỗ trợ các tân sinh viên nghèo, học giỏi ở Việt Nam với học bổng 4.000 USD/ suất.

Phải giỏi ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh mới đi du học được

Mình biết bạn đang mong đợi điều gì nhưng thay vì nói đây là định kiến thì nó được xem như sự thật không thể phủ nhận qua năm tháng.

Với nền tảng Tiếng Anh không được đầu tư kỹ lưỡng, giáo sư “hot boy” Vũ Ngọc Tâm” đã phải dành hẳn một năm để luyện Tiếng Anh với áp lực khá lớn (học thuộc 100 từ vựng Tiếng Anh mỗi ngày.) Anh cũng cho biết khả năng ngôn ngữ đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với bất cứ du học sinh nào. 

Khởi nghiệp là việc của những kẻ liều lĩnh

Nhiều người cho rằng từ bỏ công việc với mức lương ở công ty là hành động của những kẻ lắm tiền hoặc kẻ điên. Tuy nhiên, khi bắt đầu khởi nghiệp với sự cẩn trọng và chuẩn bị kỹ càng như vợ chồng Lê Thu Hà, mọi thứ không khó khăn đến vậy. Cô quan niệm “không nóng vội, luôn tuân thủ tiêu chí chậm mà chắc.”  

Kẻ có tài trong Rạng danh tài trí Việt năm châu là người không bao giờ thất bại

Trên thực tế người thành công là kẻ đã đi qua vô số thất bại. Điểm khác biệt của người thành công và kẻ thất bại thật sự là người thành công biết đứng lên, học hỏi kinh nghiệm từ thất bại trước đó, còn kẻ thất bại chỉ đơn giản là người bỏ cuộc sớm.

Như cách cha đẻ của Got It _ Trần Việt Hùng học bài học quý giá, nếu bị từ chối đầu tư, anh phải tìm mọi cách để biết tại sao người ta từ chối mình, từ đó rút kinh nghiệm. Ví dụ, anh hẹn những người từ chối đầu tư uống cà phê để lấy phản hồi thật lòng của họ.

“Những lối đi dẫn đến ngõ cụt chẳng qua là cách chị ép bản thân mình cần động não để tìm lối thoát” _  Như Tôn.

quan điểm cần học trong Rạng danh tài trí Việt năm châu

Mình rất thích câu chuyện “cây tre” của chàng tiến sĩ trẻ Phan Thế Hoàng. Tre trải qua năm năm dưới lòng đất để nảy mầm, rồi sau đó nó chỉ mất năm tuần để đạt đến chiều cao 100ft. Bạn nghĩ loài cây này mất năm năm dưới lòng đất để làm gì? Nó tập trung phát triển một bộ rễ cứng cáp, bám sâu vào lòng đất để khi cây nảy mầm, nó sẵn sàng đón gió bão mà không sợ bị đổ ngã. Cho nên, những thất bại nhỏ bên dưới lòng đất chính là bệ đỡ vô cùng vững chắc cho thành công của năm năm sau. 

Thật khó để tóm gọn hết những thành tựu và câu chuyện của 21 con người tài năng. Tuy nhiên, nếu bạn muốn biết những học sinh, sinh viên Việt Nam đang có những cơ hội, sự giúp đỡ nào từ các “anh chị Việt” đi trước, hãy đọc câu chuyện của họ trong Rạng danh tài trí Việt Năm châu. Nếu bạn muốn xây dựng một sự nghiệp hay đạt được nhiều thành tích hơn trên con đường học vấn, bạn có thể tham khảo thêm những cuốn sách hay nhất của triệu phú trẻ tuổi Adam Khoo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *