“Trong mỗi chúng ta, có một đại dương đen thẳm, nơi cất giữ những bí mật sâu kín nhất.”
Thông qua những câu chuyện thực tế đầy cảm xúc, “Đại dương đen” của tác giả Đặng Hoàng Giang như một chuyến “lặn sâu” khám phá tâm hồn mỗi người, nơi ẩn giấu đầy sự sợ hãi, trăn trở và suy tư. Từ đó, cuốn sách mở ra cái nhìn đa chiều về góc khuất tối tăm nhất của những người đang phải sống với nỗi tuyệt vọng mang tên trầm cảm.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Chân dung của tác giả – Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả của cuốn sách “Đại dương đen”, là một nhà hoạt động xã hội, chuyên gia phát triển và tác giả chính luận nổi tiếng của Việt Nam. Trong suốt sự nghiệp của mình, tác giả đã đóng góp rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, đồng thời thúc đẩy tiếng nói của người dân thông qua các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách.
Với nền tảng là một Kỹ sư tin học của ĐH Công nghệ Ilmenau (Đức) và Tiến sĩ kinh tế phát triển của ĐH Công nghệ Vienna (Áo), tác giả Đặng Hoàng Giang đã sáng lập nhiều diễn đàn phục vụ hoạt động xã hội dân sự, phổ biến tri thức. Đặc biệt, ông còn được biết đến với những cuốn sách, bài viết giá trị góp phần phá bỏ định kiến và kỳ thị trong xã hội, thúc đẩy xây dựng xã hội công bằng và giàu lòng khoan dung. Trong đó, 5 cuốn sách tiêu biểu nhất của tác giả Đặng Hoàng Giang bao gồm:
- Bức xúc không làm ta vô can (2015)
- Điểm đến cuộc đời (2018)
- Thiện, Ác và Smartphone (2015)
- Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ (2020)
- Đại Dương Đen (2021)
Tác giả Đặng Hoàng Giang nổi tiếng với phong cách viết chi tiết, trực tiếp và khách quan. Những câu chuyện kể trong mỗi tác phẩm đều được tác giả dày công góp nhặt từ những trường hợp thực tế và mượn lời nhân vật thuật lại. Điều này vô cùng hiệu quả trong việc khơi gợi tinh thần cảm thông mãnh liệt của người đọc với số phận của các nhân vật, bởi lẽ học sẽ cảm thấy như đang được nghe những lời tâm tình trực tiếp từ người trong cuộc.
Trong số các tác phẩm của ông, “Đại dương đen” là cuốn sách được nhiều độc giả quan tâm và chọn đọc, kể về câu chuyện của những người đã và đang phải vật lộn với căn bệnh thầm lặng mang tên trầm cảm mỗi ngày. Cuốn sách như một công trình giáo dục tâm lý, cung cấp kiến thức căn bản và sâu sắc về căn bệnh này, qua đó giúp độc giả hiểu và đồng cảm hơn với những người không may mắc phải.
Lặn sâu vào “đại dương đen” của người trầm cảm
Tác phẩm “Đại dương đen” được phát hành vào ngày 15 tháng 8 năm 2021, là một cuốn sách non-fiction thuộc thể loại tâm lý – xã hội. Cuốn sách này đưa người đọc vào hành trình nhẫn nại cùng những người trầm cảm, kể lại những câu chuyện vừa dữ dội vừa tê tái về số phận của họ. Đó là những con người hàng ngày vừa phải chiến đấu với “con chó đen” ngay bên trong mình, vừa phải đối mặt với định kiến của xã hội về căn bệnh mà xưa nay thường bị xem thường là “bệnh yếu đuối”.
“Đại dương đen” bao gồm 2 phần. Phần một là 12 câu chuyện được tác giả ghi lại từ hoàn cảnh của những người đã và đang sống chung với trầm cảm. Họ thuộc đủ mọi lứa tuổi, giới tính và tầng lớp trong xã hội. Có vô vàn nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này. Nó cũng có vô vàn triệu chứng và biểu hiện khác nhau, tùy vào thể trạng và tình huống của mỗi người.
Hoặc là một cô bé 16 tuổi mắc trầm cảm hậu di chứng của tuổi thơ không hạnh phúc, hoặc là một người mẹ mắc trầm cảm sau khi mất con, một ông bố phát hiện trạng thái tinh thần bất ổn trong quá trình đồng hành cùng cậu con trai bị bệnh tâm thần phân liệt.
Trong phần hai của cuốn sách, tác giả sẽ cung cấp những kiến thức về bản chất, cách nhận diện bệnh cũng như phương pháp trị liệu thông qua góc nhìn khoa học. Người đọc sẽ phần nào hiểu được trầm cảm có thể xảy ra ở bất cứ ai, cũng như hình dung rõ hơn về sức tàn phá của nó đến sức khỏe và đời sống con người.
Để có tư liệu viết lên cuốn sách “Đại dương đen”, tác giả Đặng Hoàng Giang đã có hành trình kéo dài 2 năm thực sự đồng hành cùng những bệnh nhân trầm cảm. Qua quá trình trò chuyện kéo dài hàng tháng, đôi khi, tác giả tưởng như đã trực tiếp cảm nhận được những nỗi bất an vô hình của mỗi nhân vật tham gia vào dự án. Sự sợ hãi của họ có thể biểu hiện qua những lần thay đổi địa điểm hẹn gặp vì ám ảnh từ nỗi đau trong quá khứ. Hay như thi thoảng, một vài cuộc hẹn đã không thể diễn ra vì ai đó kiệt sức sau một đêm không thể chợp mắt. Còn có những email tác giả gửi đi mà không nhận được phải hồi, bởi lẽ các nhân vật chưa sẵn sàng mở lòng. Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang cũng phải thừa nhận rằng bản thân ông đã không ít lần “cảm thấy bất lực và giận dữ khi chứng kiến sự cản trở khổng lồ mà cộng đồng vứt vào cuộc đời của người trầm cảm.”
Vẫn với phong cách viết quen thuộc là mượn lời các nhân vật để kể lại câu chuyện của chính họ, có thể nhiều độc giả sẽ nhìn thấy bóng hình mình đâu đó trong cuốn sách “Đại dương đen”. Riêng những kiến thức lý giải về căn bệnh trầm cảm và các phương pháp trị liệu, tác giả sử dụng ngôn từ rất mạch lạc, rất “Việt Nam” để ai cũng có thể đọc và hiểu một cách chuẩn xác nhất.
Khi trầm cảm không còn là sự yếu đuối
Sức khỏe của con người được biểu hiện ở hai khía cạnh: thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, phần lớn chúng ta thường chỉ quan tâm đến những nỗi đau thể chất mà bỏ qua sự tổn thương tinh thần. Không ít người vẫn giữ quan điểm rằng trầm cảm là biểu hiện của sự yếu đuối về mặt cảm xúc và tâm hồn, chỉ cần nghĩ tích cực lên là được. Nhưng trên thực tế, trầm cảm cũng là một loại bệnh, giống như cảm cúm hay đau dạ dày, cần được điều trị bằng thuốc.
Thông qua lời kể của các nhân vật trong mười hai câu chuyện ở phần đầu cuốn sách – có thể là chính người trầm cảm hoặc người thân của họ – đã phơi bày hết những định kiến đang bao trùm lên căn bệnh này.
Khi người trầm cảm nói rằng họ đang bị rút kiệt niềm vui, cơ thể họ đang phải chịu đựng những cơn đau vô hình hay thậm chí còn có biểu hiện tự hại bản thân, phần lớn câu trả lời mà họ nhận lại chỉ là sự phàn nàn, phán xét rằng họ đang “làm trò”, “lười biếng”, “khùng điên”,…
Mức độ hoang tưởng của Hằng nặng lên. Cô hay hoảng loạn tỉnh giấc vì cho rằng ai đó vừa bước vào phòng và chuẩn bị giết mình. Cô liên tục nói với bố, “Con phải kể cho mẹ! Con phải kể cho mẹ chuyện của con!” Rồi Hằng kể cho mẹ, lại trong nước mắt và trong co giật.
Hôm sau, Hằng loáng thoáng thấy bố nói với mẹ ở phòng bên, “Nó cứ diễn… Nó cứ làm quá lên…”
(Trích “Đại dương đen”)
Hầu hết những người trầm cảm trong cuốn sách đều phải tự vật lộn với sự mục ruỗng trong tâm hồn, tự vùng vẫy để thoát hỏi “đại dương đen” bằng niềm hy vọng yếu ớt. Rất ít trong số họ may mắn được người thân đồng hành hoặc nhận được sự hỗ trợ ý tế kịp thời từ các bác sĩ có tâm, có tầm.
Cuộc sống của người trầm cảm không hề dễ dàng. Trầm cảm cũng không thể biến mất chỉ bằng cách “nghĩ tích cực lên”. Một người nếu bị trầm cảm, cần phải được chữa trị. Sau cùng, có lẽ đây là thông điệp quan trọng nhất mà tác giả Đặng Hoàng Giang muốn gửi gắm thông qua cuốn sách.
Xem thêm:
- Yêu những điều không hoàn hảo: Lời nhắn nhủ dịu dàng vỗ về trái tim
- 6 cuốn sách “chữa lành” hay cho độc giả trẻ
Trong một cuộc sống đầy rẫy những áp lực, trầm cảm có thể xảy ra bất cứ khi nào, với bất cứ ai. Trầm cảm ở người trẻ cũng có, người già cũng có, người nghèo cũng có, người giàu cũng có. Chính vì vậy, những cái nhìn thực tế, lời cảnh tình và cách sống chung với trầm cảm trong “Đại dương đen” sẽ là “vị cứu tinh” cho sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.