“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó.”

Biêlinxki

Một tác phẩm nghệ thuật thực sự có giá trị cần chứa đựng sức mạnh cảm xúc và ý nghĩa sâu xa, tạo nên sự kết nối mạnh mẽ với người thưởng thức. Thiếu vắng những yếu tố này, nghệ thuật sẽ đánh mất đi linh hồn và  trở nên nhạt nhòa vô vị, như một bức tranh không màu giữa cuộc sống phong phú. 

Như một viên ngọc quý tỏa sáng giữa kho tàng văn học Việt Nam, “Sống mòn” của Nam Cao chính là minh chứng cho vẻ đẹp hoàn mỹ của nghệ thuật chân chính. Tác phẩm vẽ nên bức tranh bi thương về cuộc đời của thầy giáo Thứ – một trí thức nghèo chìm đắm trong vòng xoáy của xã hội thực dân phong kiến thối nát. Qua ngòi bút hiện thực sắc sảo và giàu tính nhân văn, Nam Cao đã phơi bày hiện thực xã hội bất công, tàn bạo, đồng thời thể hiện niềm xót thương sâu sắc cho những kiếp người nhỏ bé, chìm trong tuyệt vọng và bế tắc. 

Tác giả Nam Cao – người khắc họa rõ nét bức tranh “buồn” về tầng lớp trí thức giai đoạn 1930 -1945

Sinh ra ở nông thôn, nhưng Nam Cao sống nhiều với tầng lớp tiểu tư sản nghèo ở thành thị. Là nhà văn nghèo kiêm thầy giáo dạy trường tư thường xuyên bị thất nghiệp “phải bán dần sự sống của mình cho khỏi chết đói”, Nam Cao am hiểu sâu sắc cuộc sống của những con người này. Tác phẩm của ông đã ghi lại trung thực cuộc sống quẩn quanh, mòn mỏi bế tắc của người trí thức tiểu tư sản, đồng thời phản ánh một thời kì xã hội đen tối ngột ngạt trước Cách mạng tháng Tám, tiêu biểu là những sáng tác nổi tiếng như: “Giăng sáng”, “Đời thừa”, “Nhìn người ta sung sướng”… đặc biệt là tiểu thuyết “Sống mòn”. 

Tác giả Nam Cao - người khắc họa rõ nét bức tranh “buồn” về tầng lớp trí thức giai đoạn 1930 -1945

Tác giả Hà Minh Đức trong bài viết “Nam Cao phê phán và tự phê phán”, đã có nhận xét rằng: “Trong truyện ngắn và tiểu thuyết của Nam Cao, những nhân vật trí thức nghèo thường có ý thức tự phê phán lại là bóng dáng của chính tác giả. Điền trong Giăng sáng, Hộ trong Đời thừa, Thứ trong Sống mòn đều là những nhân vật cùng một kiểu tính cách, một loại tâm trạng. Trong bản chất họ là những người tốt, giàu ước mơ, muốn đóng góp và trở thành người có ích cho đời. Họ coi trọng tri thức, muốn đem tri thức để cải tạo cuộc sống. Nhưng trớ trêu thay họ lại là nạn nhân của hoàn cảnh” 

Nam Cao đã đưa trào lưu văn học hiện thực Việt Nam lên một tầm cao mới bằng cách khai thác sâu sắc hai đề tài nổi bật: cái đói và người trí thức. Nhờ khai thác xuất sắc hai đề tài nhức nhối lúc bấy giờ, ông đã xác định được cho mình một hướng đi độc đáo trong việc tiếp cận và phản ánh hiện thực xã hội. Đặc biệt, với những giá trị đỉnh cao cả về nội dung và nghệ thuật trong tiểu thuyết “Sống mòn,” Nam Cao đã kết thúc vẻ vang trào lưu hiện thực giai đoạn 1930 – 1945.

Tóm tắt “Sống mòn”

Thứ trong cuốn sách “Sống mòn” là một thanh niên được học hành, có hoài bão, chí hướng. Sau khi lấy được bằng Thành chung, y vào Sài Gòn tìm kế  mưu sinh. Nhưng sau 3 năm, nghèo khó, bệnh tật, y phải về quê, chịu cảnh thất nghiệp. Sau đó Thứ lại lên Hà Nội làm thầy giáo trường tư mong thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ ở quê nhà. Thứ hết lòng vì công việc nhưng việc nhiều mà chỉ được trả những đồng lương còm cõi, lại bị bớt xén khẩu phần ăn hằng ngày, y khó chịu, chán nản, đôi khi muốn trả miếng nhưng rồi tự cảm thấy xấu hổ và ân hận.

nội dung sách sống mòn

Y nhận thấy cuộc sống của mình và những người xung quanh chẳng có ý nghĩa gì. Kiếp sống nghèo khổ đã thui chột ước mơ, hoài bão và đẩy y đến cảnh “sống mòn”. Y trở nên ti tiện với bạn bè, nhỏ nhen với vợ. Cho đến khi có nguy cơ trường vỡ, y mới vỡ lẽ là ngay cả cái kiếp làm thuê đó, cái cảnh “sống mòn” mà y đang cưỡng lại đó, cũng còn là cần thiết để có cái mà nương tựa. Mất luôn cả cái chân giáo khổ trường tư, y sẽ lại bị hất ra lề đường. Y phải về quê ăn bám vợ. Thứ chua chát hình dung đời mình sẽ mục ra, và sẽ “chết mà chưa kịp sống”.     

Giáo sư Phong Lê trong bài tổng kết Hội thảo về Nam Cao nhân 40 năm mất, vào tháng 12 – 1992 đã cho rằng: “Đây là cuốn tiểu thuyết không có cốt, không có truyện, không có gay cấn và ly kỳ; bối cảnh truyện chỉ là mấy cảnh sinh hoạt của mấy nhà giáo dạy tư, nhưng sao lại có sức gắn đến thế với cả cuộc đời rộng lớn; cái tiếng thì thầm của tác phẩm lại có sức ám ảnh đến thế đối với nhiều lớp người trong hành trình cuộc đời, giữa bao thăng trầm của lịch sử.”  

“Sống mòn” – bi kịch vỡ mộng điển hình của tầng lớp trí thức

Từ trang đầu cho đến trang cuối của cuốn tiểu thuyết những chữ “đời”, chữ “kiếp” trở đi trở lại như những điểm xoáy, trăn trở, day dứt, băn khoăn đến nhức nhối: “Cái đời đi ở cho một sở tư,  cố nhiên là chẳng thú vị gì”; “Nhắp chén nước, vừa nghĩ đến cái vị nhạt phèo  của đời y”; “Y ngán ngẩm cho đời, y ngán ngẩm cho người”; “Cuộc sống phũ phàng. Đời thì buồn mà kiếp người thì khổ lắm. Đời Thứ và đời Liên, không  dưng cũng đủ buồn, đủ khổ lắm rồi”; “đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ  mục ra, ở một xó nhà quê”; “Hà Nội lùi dần, lùi dần như muốn bỏ y.  Đời y cũng lùi dần…”  

Và một nỗi buồn thương, nuối tiếc thấm đượm triết lý của Nam Cao khi ông nói tới sự tan vỡ những mộng ảo của người trí thức trẻ khi chạm vào cuộc đời thực: “Hỡi ôi! Khi người ta mười bảy tuổi ai cũng mộng, nhưng lại chẳng  một giấc mộng nào thành sự thực bao giờ?”. Cũng có lúc nhà văn thốt lên thật đau đớn khi nói về những kiếp sống mòn: “Đau đớn thay cho những kiếp sống  khao khát muốn vươn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất”. 

Giọng văn của “Sống mòn” như có  gì đó như gằn dỗi với cuộc đời: “Kiếp chúng mình sao tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tý.  Chỉ những lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng… như vậy thì sống làm  gì cho cực”. Cứ như vậy, sau mỗi tiếng “đời”, “kiếp” thốt ra lại là mỗi lần Nam Cao càng nhấn mạnh thêm vào đó niềm đau thương, nỗi chua chát đắng cay cho bi kịch của Thứ.       

Niềm hy vọng và lòng nhân ái là điểm sáng giữa thế giới truyện đầy nghiệt ngã của “Sống mòn”

Tuy là một anh giáo nghèo trường tư nhưng Thứ luôn làm việc bằng nhiệt huyết và cả tâm thế cống hiến. Y vẽ ra viễn cảnh tương lai cho ngôi trường mình đang công tác ngay khi mình được toàn quyền: “Y sẽ tổ chức lại cái trường. Y sẽ sửa sang lại cho nhà trường sạch sẽ hơn, có vẻ hơn. Nhà trường sẽ có một phòng giấy tiếp khách hẳn hoi. Học sinh sẽ có tủ sách, hội thể thao, những cuộc chơi giải trí…” Y đặt hết tình thương và sự tin yêu của mình vào học trò và ngôi trường. Không những thế, Thứ còn biết lo nghĩ cho đồng nghiệp: “Số học trò sẽ nhiều hơn. Số thu sẽ gấp đôi lên. Các giáo viên sẽ được thù lao một cách xứng đáng hơn. Họ sẽ không còn băn khoăn nghĩ đến tiền, đến cơm áo”

phân tích nội dung Sống mòn

Bên cạnh đó, Thứ còn muốn có những cống hiến và cải tạo xã hội, Thứ khao khát một cuộc sống hữu ích, cao cả. Anh có quan niệm sâu sắc và chân chính về ý nghĩa cuộc sống: “Mỗi người sống phải làm thế nào để phát triển tận độ những khả năng của loài người chứa đựng ở trong mình. Phải gom góp sức lực của mình vào công việc tiến bộ chung. Mỗi người chết đi phải để lại chút gì cho nhân loại”

Sâu trong tiềm thức của người trí thức tiểu tư sản này luôn là những trăn trở, khao khát tìm cách giải quyết trước các vấn đề của mang tính thời đại. Tuy nhiên, anh cũng cay đắng nhận ra những vấn đề mà xã hội đang gặp phải cũng chính là vấn đề của chính mình. Vì Thú không thể phủ nhận, vận mệnh của mình không thể tách rời khỏi vận mệnh chung của thời đại. Do đó, muốn thay đổi cuộc sống tù túng, chật hẹp của mình thì cũng chính là phải thay đổi được cả lối sống bế tắc, chật chội của xã hội hiện tại. Suy nghĩ ấy có phần viễn vông đối với một anh giáo khổ trường tư, nhưng dù sao đó cũng là một suy nghĩ tích cực, một thông điệp mang tư tưởng tiến bộ: “Phải đổi thay, phải đổi thay cuộc sống hiện tại”.

Ở cuối truyện, khi nhân loại đang lên “cơn sốt rét”, đang “quằn quại để đổi thay”. Con người đang bị dồn đến chân tường, yêu cầu bức thiết phải tìm ra một lối thoát. Và khi ấy, trái tim Thứ thật đẹp khi anh muốn bám vào một niềm tin dù anh đã quá thất vọng với cuộc đời. Thứ đã dự cảm thấy một sự đổi thay to lớn: “Lòng Thứ đột nhiên hé ra một tia sáng mong manh. Thứ tự thấy hi vọng một cách vu vơ. Sau cuộc chiến tranh này, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, công bình hơn, đẹp đẽ hơn”. Lòng tin luôn là điều đáng quý trên đời, nó lại càng đáng quý hơn khi được mài dũa bởi sự đắng cay, chua chát. Nam Cao không miêu tả một hiện thực chỉ toàn màu đen, ông luôn đan xen vào đó niềm tin và sự hi vọng về tương lai tốt đẹp. 

Xem thêm:

Ngòi bút hiện thực sâu sắc của Nam Cao đã dựng nên hình ảnh thầy giáo Thứ – một con người tài năng, có hoài bão, nhưng lại bị gánh nặng cơm áo gạo tiền và sự bất công xã hội đè nén, dẫn đến bi kịch trong “Sống mòn”. Tác phẩm là tiếng chuông cảnh tỉnh về số phận bi thảm của những con người trí thức trong xã hội cũ, đồng thời khơi gợi lòng trân trọng và yêu thương những phẩm chất tốt đẹp của họ. Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách văn học hiện thực về cuộc sống, đề cao phẩm chất con người trong cảnh đời nghiệt ngã, “Sống mòn” sẽ là lựa chọn hoàn hảo.


Thưởng thức trọn vẹn tác phẩm qua đường link mua sách phía dưới để ủng hộ DIMI BOOK tiếp tục tạo ra những nội dung chất lượng và phong phú nhé! Chân thành cảm ơn Quý độc giả đã yêu mến!

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách Sống Mòn tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *