Daniel Goleman một tác giả nổi tiếng của Hoa Kỳ, một nhà tâm lý học nổi tiếng, một tác giả đoạt giải Pulitzer đã từng chia sẻ: “Một nhà lãnh đạo thành công chiếm 80% đến 100% EQ (trí tuệ cảm xúc).

Hay Gardner (Cha đẻ của thuyết Trí thông minh đa dạng) có nhấn mạnh: “Nhiều người có IQ 160 làm việc không bằng những người IQ không vượt quá 100, do những người trên có trí thông minh quan hệ cá nhân yếu hơn những người dưới. Và trong đời sống hàng ngày, không một hình thức trí tuệ nào quan trọng hơn hình thức ấy cả. Nếu bạn không có nó, bạn sẽ lựa chọn không đúng người bạn đời, nghề nghiệp của bạn.v.v.. Nhà trường nhất thiết phải giáo dục cho trẻ em hình thức trí tuệ đó.”

Trí tuệ cảm xúc là gì mà nó quan trọng đến thế?

Trong bài viết hôm nay mình sẽ cố gắng giải thích đến các bạn trong khuôn khổ hiểu biết của mình.

1. Trí tuệ cảm xúc EQ là gì?

Bạn có biết hầu hết mọi người, chỉ số EQ trí tuệ cảm xúc quan trọng hơn trí thông minh (IQ) trong việc đạt được thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của họ. Sự thành công của một người phụ thuộc vào khả năng đọc tín hiệu của người khác và phản ứng thích hợp với họ. 

Vì vậy, mỗi người trong chúng ta phải biết cách phát triển các kỹ năng trí tuệ cảm xúc để hiểu, đồng cảm và đàm phán với người khác – đặc biệt khi nền kinh tế đã trở nên toàn cầu hơn. Nếu không bạn sẽ khó đạt được thành công như mình mong muốn.

Theo định nghĩa của Howard Gardner – nhà tâm lý học kiêm giáo sư khoa học thần kinh tại Đại học Harvard, người đã nghiên cứu và đưa ra một lý thuyết về “Đa trí tuệ” (Multiple Intelligences – MI). Ông cho rằng EQ trí tuệ cảm xúc là khả năng hiểu người khác, những điều thúc đẩy họ, cũng như cách làm việc, hợp tác của họ với những người khác như thế nào.

Hay như Peter Salovey và John D.Mayer – cha đẻ của khung lý thuyết về trí thông minh cảm xúc có định nghĩa như sau: 

Khả năng theo dõi cảm giác và cảm xúc của mình cũng như của người khác, phân biệt chúng, và sử dụng thông tin này để dẫn dắt tư duy và hành động của mình”

Hiện tại trí tuệ cảm xúc được chia thành 5 loại chính:

  1. Khả năng tự hiểu bản thân (Self – awareness): Khả năng hiểu được cảm xúc của bản thân khi nó xảy ra. Phát triển loại trí tuệ cảm xúc này bạn phải điều chỉnh theo cảm xúc thật của mình, bạn có thể đánh giá chúng, quản lý chúng. 

Bạn cần nhận thức thường xuyên cảm xúc của mình và tự tin về các giá trị của bản thân cũng như khả năng của mình.

  1. Khả năng kiểm soát bản thân (Self – regulation): Bạn thường có ít sự kiểm soát khi trải nghiệm cảm xúc của mình, đặc biệt khi bạn nổi giận, hạnh phúc hay những cảm xúc với cường độ mạnh. Tuy nhiên, bạn cần biết vài kỹ thuật để điều chỉnh cảm xúc của mình để làm giảm bớt cảm xúc tiêu cực như giận giữ, lo lắng hoặc trầm cảm. Một vài cách được nêu ra như thiền, đi bộ, cầu nguyện, hoặc tập suy nghĩ tích cực hơn.

Khả năng kiểm soát bản thân liên quan đến các hành động như:

Tự kiểm soát, quản lý các xung đột trong cảm xúc

NIềm tin, duy trì tiêu chuẩn trung thực và liên chính

Lương tâm, chịu trách nhiệm về hiệu suất của riêng mình

Khả năng thích ứng, biết cách xử lý linh hoạt các tình huống quanh bạn

Sự đổi mới, cởi mở với các ý tưởng mới

  1. Động lực: Để thúc đẩy bản thân đạt được kết quả cao, bạn cần có mục tiêu rõ ràng và thái độ tích cực. Mặc dù trong cuộc sống chúng ta không thoát khỏi được những suy nghĩ tiêu cực mỗi ngày bị đeo bám, nhưng hãy biết sàng lọc, điều chỉnh hướng đến suy nghĩ tích cực hơn. Điều này sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. 

Những động lực có thể tạo thành từ:

Thành tích: Không ngừng phấn đấu để cải thiện hoặc đáp ứng tiêu chuẩn xuất sắc

Lời cam kết: Phù hợp với các mục tiêu của nhóm hoặc tổ chức

Sáng kiến: Hiểu được bản thân để đáp ứng được những cơ hội 

Lạc quan: Theo đuổi mục tiêu bền bỉ bất chấp trở ngại và thất bại

  1. Cảm thông: Khả năng nhận biết cảm xúc của mọi người là một trong những yếu tố quan trọng để thành công trong cuộc sống và sự nghiệp. Bạn càng khéo léo trong việc nhận ra những cảm xúc đằng một người bạn càng có thể kiểm soát được các tín hiệu bạn gửi đến họ. Một người có sự cảm thông vượt trội sẽ có cái nhìn tốt ở các khía cạnh:

Định hướng dịch vụ: Dự đoán, công nhận và đáp ứng nhu cầu của khách hàng

Phát triển những thứ khác: Cảm nhận những gì người khác cần để tiến bộ và củng cố khả năng của họ

Tận dụng sự đa dạng: Cơ hội tu luyện, phát triển thông qua những người có sự đa dạng trong tính cách, cảm xúc

Nhận thức chính trị: Hiểu rõ các dòng cảm xúc và các mối quan hệ quyền lực

Hiểu người khác: Làm sáng tỏ cảm xúc đằng sau nhu cầu và mong muốn của người khác

  1. Kỹ năng xã hội: Sự phát triển kỹ năng giao tiếp tốt gắng với sự thành công và sự nghiệp của bạn. Thế giới của kết nối, của mối quan hệ, bạn cần có khả năng đồng cảm, đàm phán tốt với người khác trong nền kinh tế toàn cầu như hiện nay. Hãy nhìn lại một vài kỹ năng hữu ích như:

Ảnh hưởng: Sử dụng chiến thuật thuyết phục hiệu quả

Giao tiếp: Gửi thông điệp đến người khác một cách rõ ràng

Khả năng lãnh đạo: Truyền cảm hứng và hướng dẫn các nhóm, cá nhân làm việc tốt

Thay đổi chất xúc tác: Khởi xướng hoặc quản lý các thay đổi

Quản trị xung đột: hiểu, thương lượng và giải quyết các bất đồng

Xây dựng mối quan hệ: Biết cách chăm sóc, phát triển mối quan hệ

Hợp tác và làm việc: Làm việc với người khác để hướng tới mục tiêu chung

Khả năng đội nhóm: Tạo sức mạnh tổng thể để cùng theo đuổi mục tiêu của tập thể

Bạn thấy đấy 5 phần của trí tuệ cảm xúc (EQ) có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự thành công của một người. Tuy nhiên nó ảnh hưởng thế nào bạn có biết được không nhỉ?

Mình sẽ chia sẻ đến bạn những lợi ích của trí thông minh cảm xúc nhé

2. Những lợi ích của trí tuệ cảm xúc 

Hiểu về trí tuệ cảm xúc giúp bạn có được cuộc sống hạnh phúc hơn, có được công việc thành công hơn và có những mối quan hệ bền vững hơn.

Nghiên cứu cho thấy năng lực cảm xúc tạo ra hiệu suất gấp đôi so với những người có chuyên môn và kiến thức thuần túy trong công việc.

Có một nghiên cứu cũng cho thấy các yếu tố giúp phân biệt người làm việc hiệu suất cao với bình thường gồm:

Khát khao đạt được thành tựu và tiêu chuẩn thành tựu cao

Khả năng gây ảnh hưởng

Tư duy khái niệm 

Khả năng phân tích 

Chủ động chấp nhận thử thách

Tự tin 

Một sự thật thú vị rằng 4 yếu tố trong tổng 6 yếu tố này thuộc loại trí thông minh cảm xúc. 

Bạn sẽ yêu quý người lãnh đạo như thế nào? Hài hước, vui vẻ, truyền cảm hứng hay người suốt ngày khó chịu, khó tính, độc đoán…

Hiểu và áp dụng trí tuệ cảm xúc trong việc lãnh đạo, bạn có khả năng trở thành nhà lãnh đạo xuất sắc. 

Hãy luôn trau dồi chỉ số EQ của mình trong công việc lãnh đạo để tạo được sự tin tưởng ở nhân viên, những người đồng đội với mục đích cuối cùng là đạt được mục tiêu chung của tập thể. Hãy tích cực hơn, cởi mở hơn, biểu cảm hơn, ấn tượng hơn, ấm áp hơn, hòa đồng hơn, thân thiện hơn, cười nhiều, khen nhiều, hỏi thăm nhiều, tin cậy hơn, cảm hứng hơn và nhẹ nhàng khiển trách người khác hơn bạn nhé!

Bạn có thể tham khảo thêm thuật Đắc nhân tâm trong cách lãnh đạo của mình.

Người có EQ trí tuệ cảm xúc cao, người đó có thể có hạnh phúc hơn. 

Bạn có biết nhà sư Matthieu Ricard – ông được mệnh danh là người hạnh phúc nhất thế giới. 

Ông từng chia sẻ: “Ngay khi còn trẻ tôi đã thành công và có được sức ảnh hưởng cũng như sự tôn trọng và giàu có mà bất kì ai cũng muốn, nhưng tất cả những thứ đó không đi kèm với hạnh phúc. Khi cống hiến cuộc đời mình cho Phật giáo tôi nhận ra rằng, hạnh phúc là một dạng kỹ năng, một cách nhìn xuyên thế giới chứ không phải thứ sẽ xuất hiện khi chúng ta thành công”.

Ông cho rằng thành công mà ông thích nhất trong đời chính là “sự hưng thịnh của bản thân”. Bởi điều đó có ý nghĩa hơn là thành công và được sống trong xa hoa phú quý mà tâm không bao giờ ổn.

“Để có thể tác động tích cực đến người khác, trước tiên bạn phải người có cái tâm an lạc” Ricard chia sẻ.

Ông cũng quan niệm rằng hạnh phúc là một dạng kỹ năng có thể rèn luyện được, việc này bắt nguồn từ sự nhận thức sâu sắc nhất của tâm trí, cảm xúc và kinh nghiệm của chúng ta về các hiện tượng, sự vật, tình huống quanh mình. 

Chúng ta có thể áp dụng các phương pháp để tối đa hóa hạnh phúc bên trong của mình ở mức độ sâu sắc hơn để từ đó tạo ra hạnh phúc lâu dài hơn.

Tuy nhiên làm cách nào để tăng trí tuệ cảm xúc EQ của mình lên?

3. Làm cách nào để tăng cường trí thông minh cảm xúc?

Chúng ta có nhiều phương pháp để áp dụng, để rèn luyện nâng cao chỉ số EQ trí tuệ cảm xúc của mình lên mỗi ngày.

Bạn có thể học và làm theo các phương pháp bên dưới nhé:

Thiền định: Ngoài việc giúp rèn luyện trí thông minh cảm xúc, thiền còn giúp bạn có được sức khỏe tốt, mang lại sự tĩnh tâm cũng như có được trí tuệ minh mẫn

Bạn có thể tham khảo 2 khóa thiền bổ ích mà mình có dịp trải nghiệm đó là thiền Vipassana của chùa Hồng Trung Sơn – Sư cô Thích Nữ Hằng Liên, người đầu tiên đưa thiền từ Ấn Độ về VN. 

Một khóa thứ hai là khóa tu tại Làng Mai – Sư ông Thích Nhất Hạnh là người sáng lập, điều hành làng qua rất nhiều năm. Nếu ở Việt Nam, bạn nên đăng ký tại làng Mai Thái Lan nhé!

Lập nhật ký theo dõi cảm xúc: hãy ghi lại cảm nhận của chính mình mỗi ngày, có ngày vui, có ngày buồn, ngày chán nản, hãy ghi lại hết để biết rằng bạn đang ở trong trạng thái nào và tìm cách điều chỉnh theo hướng tích cực hơn.

Hãy cầu nguyện và biết ơn mỗi ngày: Hãy biết ơn những gì mình đang có, học cách nói lời cảm ơn vì… bạn sẽ thấy rằng mình may mắn như thế nào khi sống trên đời này. Điều đơn giản nhất sẽ khiến ta hạnh phúc nhất mà nhiều khi vô tình bạn lại quên lãng.

Hãy rèn luyện kỹ năng lắng nghe thấu cảm: một phương pháp lắng nghe và đặt câu hỏi giúp bạn có được thông tin và cảm xúc của người đối diện.

Ngoài ra bạn có thể đọc sách để góp nhặt cho mình nhiều thông tin hơn về trí tuệ cảm xúc.

4. Những cuốn sách hay về trí tuệ cảm xúc

trí tuệ cảm xúc

Mình xin chia sẻ đến bạn vài cuốn sách đầy giá trị để giúp bạn nâng cao EQ.

Trí thông minh cảm xúc – Steven J.Stein 

Cuốn sách giúp bạn trả lời các câu hỏi như: Trí thông minh cảm xúc thực chất nghĩa là gì? Cách giúp bạn kiểm soát cảm xúc của người thân, bạn bè? Bạn có thể làm gì với trí thông minh cảm xúc của chính mà hoặc con cái mình?

Trí tuệ cảm xúc – Daniel Goleman 

Nếu bạn muốn cải thiện các mối quan hệ quanh mình, cuốn sách thật sự sẽ rất hữu ích cho bạn.

Cuốn sách cũng giúp bạn hiểu rõ cảm xúc của bản thân, tập sống với cảm xúc thật, sống yêu bản thân mình hơn.

Tìm kiếm bên trong bạn – Search Inside Yourself: Cuốn sách chia sẻ về khóa học nổi tiếng của Google về thiền định để giúp rèn luyện trí tuệ cảm xúc cho các nhân viên của họ. 

Eric Schmidt, Giám đốc điều hành của Google đã từng nói: “Cuốn sách này và khóa học mà nó dựa trên đại diện cho một trong những khía cạnh tuyệt vời nhất của văn hóa Google – một cá nhân với một ý tưởng thật sự vĩ đại có thể thay đổi thế giới”.

Mình hi vọng bài viết này sẽ hữu ích cho những bạn đang còn nhiều băn khoăn về việc hiểu bản thân cũng như cảm xúc của chính mình. 

Mình là người có chỉ số EQ khá thấp và mình cũng rất khó để thể hiện ra các cảm xúc thật của mình với người đối diện, điều này khiến mình gặp nhiều vấn đề trong các mối quan hệ của mình cũng như tự làm bản thân trở nên trầm cảm hơn.

Tuy nhiên, việc hiểu về trí tuệ cảm xúc đã giúp mình thấu hiểu bản thân mình hơn, tìm cách tự rèn luyện mình để nâng cao chỉ số EQ của mình hơn. Điều này giúp mình sống thoải mái hơn, sống yêu bản thân và cuộc sống hơn để củng cố các mối quan hệ quanh mình.

Chúc bạn sau khi đọc bài viết này có được góc nhìn mới về cảm xúc và có thể giúp mình hiểu rõ bản thân để thành công hơn trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook