Vũ Trọng Phụng là người thư ký trung thành của thời đại, từng được mệnh danh là “Balzac* của Việt Nam”.

*Balzac là nhà văn hiện thực Pháp lớn nhất nửa đầu thế kỷ 19, bậc thầy của tiểu thuyết văn học hiện thực.

Vũ Trọng Phụng là một nhân vật văn hóa Việt Nam nổi tiếng, đặc biệt là trong lĩnh vực văn học. Ông là một nhà văn và nhà báo có ảnh hưởng lớn trong văn học Việt Nam thời kỳ tiền chiến. Bên cạnh những cái tên nổi bật cùng thời như Nam Cao, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố,… nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn có một chỗ đứng riêng trong nền văn học tiền chiến.

Tác phẩm của ông không ngần ngại phơi bày những sự thật, dù sự thật đó có tối tăm và có thể mang lại nguy hiểm đến đâu. Trong những trang sách của ông, ta không chỉ cảm nhận được tiếng cười châm biếm sảng khoái mà còn nghe thấy những lời xót xa, thương tiếc. Sáng tác của ông vừa như một tấm gương phản chiếu sự loạn lạc, thối tha bỉ ổi của xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám, vừa là bức tranh bi thương về những số phận đau đớn trong xã hội ấy.

Vũ Trọng Phụng – Nhà văn hiện thực xuất sắc có cuộc đời ngắn ngủi

Vũ Trọng Phụng (1912-1939) sinh ra tại làng Hảo, nay là thôn Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Sau khi cha ông qua đời khi ông chỉ mới 7 tháng tuổi, ông được nuôi dưỡng bởi mẹ là bà Phạm Thị Khách.

Với cuộc sống khó khăn, Vũ Trọng Phụng phải bỏ học để tự mình kiếm sống từ lúc rất sớm. Tuy nhiên, ông vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa. Là một trong những thanh niên Việt Nam đầu tiên được giáo dục bằng tiếng Pháp và chữ Quốc Ngữ, ông có niềm đam mê với văn hóa Pháp và nỗ lực truyền bá văn học chữ Quốc Ngữ.

vũ trọng phụng
Nguồn Internet

Sau 2 năm nỗ lực kiếm sống ở những nơi như nhà hàng Goda và nhà in IDEO (Viễn Đông), Vũ Trọng Phụng chuyển hướng sang sự nghiệp viết báo và văn chuyên nghiệp. Tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng qua những bài báo và phóng sự châm biếm, phê phán về thực tế xã hội, như “Cạm bẫy người”, “Cơm thầy cơm cô”.

Không chỉ là một nhà báo xuất sắc, Vũ Trọng Phụng còn được biết đến với vai trò nhà văn, tiểu thuyết gia và có nhiều tác phẩm để đời. Các tác phẩm như “Số đỏ”, “Giông tố”, “Vỡ đê” của ông đã đem lại những đóng góp quan trọng cho văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Năm 1939, Vũ Trọng Phụng qua đời vì căn bệnh lao phổi. Ông rời xa trần thế ở tuổi 27 khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao. Sự ra đi của ông là sự mất mát lớn với những đồng nghiệp nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nổi tiếng không chỉ vì xoáy sâu vào sự châm biếm và mỉa mai, mà còn vì khả năng phơi bày chân thực, sinh động về những tệ nạn xã hội lúc bấy giờ. Mặc dù phanh phui những mặt tối tăm trong xã hội, nhưng ngòi bút của ông vẫn thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào con người và tương lai tươi sáng hơn.

Sự nghiệp của nhà văn Vũ Trọng Phụng

Mặc dù sự nghiệp văn học của Vũ Trọng Phụng chỉ kéo dài trong thời gian ngắn ngủi, nhưng giá trị văn học ông đã đóng góp lại không hề nhỏ, có nhiều tác phẩm gây tiếng vang mạnh mẽ và được đề cao cho tới ngày nay.

Trong thời gian đầu của sự nghiệp, ông không nhận được nhiều sự chú ý, nhưng từ năm 1931, với vở kịch “Không một tiếng vang,” tên tuổi của ông bắt đầu nổi lên. Cuốn tiểu thuyết đầu tay “Dứt tình” năm 1934 đánh dấu bước chuyển quan trọng trong sự nghiệp của ông.

Sự thật – Nguồn cảm hứng bất diệt

Nhà văn Nam Cao mô tả văn chương của Vũ Trọng Phụng “như một loại thuốc độc, nhưng lại là loại thuốc độc cần thiết cho xã hội”. Điều này không chỉ là lời khen mà còn là sự công nhận về giá trị trong các sáng tác của ông.

Vũ Trọng Phụng sinh ra và lớn lên trong một thời kỳ lịch sử đầy biến động, với áp bức từ chế độ phong kiến và sự bóc lột từ thuộc địa Pháp. Những tệ nạn và thói xấu trong xã hội trở nên rõ ràng, nổi trội hơn và đây chính là nguồn cảm hứng chính cho sáng tác của ông. Vũ Trọng Phụng dũng cảm khám phá những mặt tối của xã hội, nơi mà tiền bạc làm mất lòng tin, ma cô, đĩ điếm hay tham lam, phong nguyệt,…

tác phẩm của vũ trọng phụng
Nguồn Internet

Khác với những nhà văn hiện thực khác, Vũ Trọng Phụng không chỉ tập trung vào việc khai thác nghèo đói và khổ đau của người dân, mà còn nhắm vào thói ăn chơi và đua đòi của tầng lớp thượng lưu, tư bản. Văn chương của ông không mơ mộng cũng không trốn tránh, ông đưa tới sự thật gai góc, cực đoan để người đọc tự cảm nhận những gì vốn có.

Ngoài những vấn đề xã hội, ông lấy cảm hứng từ những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là phụ nữ và người lao động nghèo. Các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng liên tục thu hút sự chú ý, bằng ngòi bút sắc bén, “Giông tố”, “Số đỏ”, “Vỡ đê” và “Làm đĩ” khai thác những câu chuyện đau lòng và thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những kẻ bị xã hội đối xử bất công. “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng đặc biệt nổi tiếng với những nhân vật và câu chuyện gắn với cuộc sống thường nhật. Ngoài ra những truyện ngắn Vũ Trọng Phụng cũng được đánh giá cao về chủ đề nội dung và giá trị nghệ thuật.

Ngoài việc sáng tác tiểu thuyết, Vũ Trọng Phụng cũng là một nhà báo xuất sắc với nhiều phóng sự để lại dấu ấn như “Cạm bẫy người” (1933) và “Kỹ nghệ lấy Tây” (1934). Những bài viết như “Cơm thầy cơm cô” và “Lục sì” tiếp tục khám phá những vấn đề tiêu cực tồn tại trong tầng lớp tri thức.

sách của vũ trọng phụng
Nguồn Internet

Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng không chỉ là gương phản ánh sự thật mà còn thể hiện tinh thần nhân đạo mạnh mẽ. Ông không ngần ngại châm biếm và phê phán thói xấu của xã hội, nhưng đằng sau đó là sự thương cảm và quan tâm đặc biệt đối với những “kẻ bị chà đạp lên nhân phẩm, kẻ yếu, kẻ bị đày đọa vào cảnh ngục tối, kẻ bị bóc lột”.

Vũ Trọng Phụng – Ngòi bút châm biếm sắc sảo

Điểm đặc biệt trong phong cách sáng tác của Vũ Trọng Phụng là nghệ thuật trào phúng và giọng văn châm biếm, giễu cợt. Sự trào phúng và giễu cợt không chỉ xuất hiện trong ngôn từ mà còn được thể hiện qua cách ông xây dựng nhân vật và tình huống. Một ví dụ nổi tiếng là đoạn đám ma cụ cố Tổ (Chương XV, tiểu thuyết Số đỏ). Chỉ cần nhìn vào “đám ma gương mẫu” này, ta có thể nhận thức được sự ngược đời và bi kịch của một xã hội nửa Tây, nửa Tàu.

Có lẽ cũng chính vì ngòi bút quá sắc sảo và trần trụi ấy, nhà văn Vũ Trọng Phụng và tác phẩm của ông thường xuyên là chủ đề của các cuộc tranh cãi trong cộng đồng văn học. Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn và nhà phê bình văn học đều công nhận tài năng sáng tác của ông. Ông nổi bật với khả năng quan sát tinh tế và mô tả sinh động, sắc sảo, cùng với một giọng văn châm biếm điêu luyện. Nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã mô tả bút pháp của ông như “lưỡi dao sắc bén, phanh phui những cái lố lăng, thối nát của xã hội thực dân phong kiến.”

Vũ Trọng Phụng
Nguồn Internet

Vũ Trọng Phụng cũng được biết đến với “khả năng quan sát tinh tế, miêu tả sinh động những hiện thực xã hội”. Những nhân vật trong tác phẩm của ông được khắc họa chân thực từng chi tiết, từ cách họ nói chuyện, hành động đến tính cách và suy nghĩ. Nhiều hình tượng nhân vật của ông đã trở thành biểu tượng bất hủ. Ông theo đuổi quan điểm “tiểu thuyết là sự sống động của cuộc sống,” không phải là mảng lãng mạn và bay bổng. Vì vậy, hệ thống nhân vật trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, mặc dù đông đảo, nhưng đều mang giá trị hiện thực sâu sắc.

Những đóng góp của Vũ Trọng Phụng cho văn học Việt Nam

Vũ Trọng Phụng là được xem là một trường hợp đặc biệt trong nền văn học Việt Nam. Ông sống một cuộc đời đức hạnh mặc dù hoàn cảnh nghèo khổ trong xã hội đầy loạn lạc. Văn chương của ông hoặc khiến người ta say mê, tôn thờ hoặc khiến người ta lên án, ghét bỏ. Như Lưu Trọng Lư từng nhận xét: “văn chương của con người ấy làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh”.

Những tác phẩm của ông đều hướng tới hiện thực, vạch trần những tệ nạn, trò đời bi hài. Thông qua đó, ông giúp người đọc có một góc nhìn chân thực, rõ nét về xã hội Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Cho tới nay, những nhân vật trong tiểu thuyết của ông vẫn còn được nhắc tới như một điển hình của những thói hư tật xấu trong xã hội. Nổi bật nhất là những nhân vật trong tác phẩm Số đỏ, như: Xuân Tóc Đỏ – lưu manh; cô Tuyết – ngây thơ hay ông Phán “mọc sừng”, …

Không chỉ lĩnh vực tiểu thuyết, ông cũng rất thành công trong lĩnh vực phóng sự. Hàng loạt phóng sự, bài báo thành công đã giúp Vũ Trọng Phụng được người ta gọi là “Ông vua phóng sự đất Bắc”, nhận được sự công nhận của nhiều thế hệ nhà văn. Cùng với Vũ Bằng và Vũ Đình Chí, ông mở đầu cho nghệ thuật phóng sự ở Việt Nam.

Vũ trọng phụng
Nguồn Internet

Những tác phẩm độc đáo của ông cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim như: Bẫy tình (2005) – lấy cảm hứng từ thiên phóng sự “Lục xì” và “Làm đĩ”, “Số đỏ” (1990) và nổi bật nhất là “Trò đời” (2013) lấy cảm ứng từ 3 tác phẩm nổi bật của Vũ Trọng Phụng là Số đỏ, Cơm thầy cơm cô và Kỹ nghệ lấy Tây.

Mặc dù số lượng tác phẩm của ông không nhiều, nhưng đóng góp của ông đánh dấu cho sự phát triển về văn học hiện thực Việt Nam đầu thế kỷ 20, lên tiếng thay cho những tầng lớp người dân khốn khổ “thấp cổ bé họng” thời ấy. Sáng tác của ông là mảnh ghép “hắc ám” trong bức tranh về giai đoạn gian nan của đất nước. Những sáng tác của ông là tiếng chuông cảnh tỉnh, là công cụ đấu tranh với những điều bất công, phi lý ở đời. Dù Vũ Trọng Phụng mất sớm nhưng những tác phẩm của ông vẫn sống và đem lại giá trị văn chương cho hậu thế.

Xem thêm các nhân vật tiêu biểu khác trong văn học Việt Nam:

Vũ Trọng Phụng được xem là một hiện tượng độc đáo trong nền văn học Việt Nam. Ông sống bần hàn nhưng lại viết về chốn ăn chơi phong nguyệt. Ông không nỡ giết một con kiến nhưng sáng tác của ông làm náo loạn đám trọc phú, trưởng giả. Ông chỉ ở với đời 27 năm nhưng những tác phẩm của ông vẫn còn sống mãi trong nhiều thế hệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *