“Thiên hạ vô tình, ta vô tình. 

Tình trong cõi tận, tình ở đâu?”

Đây là hai câu thơ trong bài thơ Thanh Hiên Tự, được đại thi hào Nguyễn Du viết ra từ chính tâm tư lạc lõng của mình khi sống trong xã hội phong kiến – “địa ngục miền nhân gian”.

Mang một tâm hồn nhạy cảm, đồng thời cũng thấu hiểu sâu sắc sự bất công của xã hội phong kiến thối nát, nhà thơ Nguyễn Du nổi tiếng với những tác phẩm thơ ca đỉnh cao là tiếng nói phản ánh nhiều khía cạnh xã hội và tinh thần nhân đạo. Nhờ sự đồ sộ và sâu sắc của di sản để lại, Nguyễn Du không chỉ được vinh danh là đại thi hào của Việt Nam mà còn khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ.

Tác giả Nguyễn Du – Trưởng thành bằng những con sóng dữ của cuộc sống 

Nguyễn Du (1765 – 1820) có tên chữ Tố Như, tên hiệu Thanh Hiên, là một Đại thi hào của Việt Nam và là “Danh nhân văn hóa thế giới” được UNESCO công nhận. 

Tác giả Nguyễn Du sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm quan tại làng Tiên Điền, huyện Xuân Nghi, tỉnh Hà Tĩnh. Được thừa hưởng truyền thống văn học của gia đình, lại có cha (Nguyễn Nhiễm) là Tiến sĩ và giữ nhiều chức quan lớn trong triều đình thời Lê trung hưng nên nghiễm nhiên, nên Nguyễn Du được thừa hưởng tài  năng thơ văn xuất chúng.

Tuy sinh ra trong nhà quan giàu có, nhưng cuộc đời Nguyễn Du gặp phải nhiều cuộc khủng hoảng trầm trọng của chế độ phong kiến Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Những cuộc khởi nghĩa, mưu phản, nội chiến vừa khiến ông mất đi người thân, vừa buộc ông phải trực tiếp tham gia vào những cuộc tranh giành hỗn loạn. 

Tác giả Nguyễn Du

Năm Nguyễn Du mới 1 tuổi, cha ông được thăng chức làm Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận công nên ông đã có một khoảng thời gian tuổi thơ được sống trong nhung lụa.  

Những tưởng Nguyễn Du sẽ được sống trong cảnh gia đình và sự nghiệp viên mãn nhưng đến năm 13 tuổi, ông mất cả cha lẫn mẹ cùng người anh trai Nguyễn Trụ (hơn ông 10 tuổi). Hai năm sau biến cố lớn, Nguyễn Du về ở với anh trai cả cùng cha khác mẹ, hơn ông 31 tuổi, là Nguyễn Khản. 

Đến năm 1780, Nguyễn Khản bị bắt giam vì tội mưu loạn, Nguyễn Du tiếp tục được nhận nuôi bởi một người quen của cha – nhà thơ Đoàn Nguyên Tuấn, sau này cũng là anh vợ của ông. 

Năm 18 tuổi (1783), ông đậu 3 kỳ của khoa thi Hương ở trường Sơn Nam (học vị Sinh đồ) và được giao trọng trách chỉ huy quân đội hùng mạnh nhất Thái Nguyên thay anh trai Nguyễn Khản. 

nhà thơ Nguyễn Du

Sau trận chiến Tây Sơn vào năm 1787, Nguyễn Du cùng người anh kết nghĩa “sống chết, tồn vong có nhau” là Nguyễn Đại Lang bắt đầu cuộc sống tha hương, không nhà không cửa. Đến năm 1788, hai người cùng Nguyễn Quýnh (anh trai thứ tư của Nguyễn Du) sang Vân Nam, Trung Quốc. Tại đây, ông quyết định thoát khỏi vòng trần tục trở thành nhà sư Chí Hiên, bắt đầu hành trình chu du khắp Trung Quốc theo gương nhà thơ Lý Bạch. 

Trong 3 năm du ngoạn, một lần dừng chân ở chùa Hổ Bào (nơi nhân vật Từ Hải từng tu hành), Nguyễn Du đã có duyên gặp được cuốn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Đây chính là tiểu thuyết được ông mượn cốt truyện để diễn ca chữ Nôm, tạo nên Truyện Kiều đưa tên tuổi Nguyễn Du nổi danh khắp thế giới. 

Sự nghiệp và cảm hứng sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du 

Sự nghiệp của tác giả Nguyễn Du

Nói về sự nghiệp của Nguyễn Du, ta phải nhắc đến cả sự nghiệp thăng quan và sự nghiệp văn chương. Chính cuộc đời và sự nghiệp thăng quan đã cho ông cơ hội nhìn thấy nhiều cảnh đời khốn khó, Nguyễn Du đã mượn chính những hình ảnh đó để viết lên những áng văn thơ để đời. 

Năm 1790, Nguyễn Du trở về Thăng Long từ Trung Quốc nhưng phải 7 năm sau (1797), ông mới chính thức kết thúc cuộc đời phiêu bạt của mình. 

Nhờ khoảng thời gian thăm thú đó đây mà Nguyễn Du rất thông thạo tiếng Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để sau khi trở thành tri phủ Thường Tín năm 1803, ông lại được đặc cách lên ải Nam Quan tiếp sứ nhà Thanh. Từ đó, con đường thăng quan của Nguyễn Du dần rộng mở. 

cuộc đời của đại thi hào nguyễn du

Từ năm 1805 cho đến cuối đời, ông liên tục được giữ nhiều chức quan lớn của triều đình như: 

  • Đông các học sĩ, tước Du Đức hậu (1805)
  • Giám khảo kỳ thi Hương ở Hải Dương (1807) 
  • Cai ban ở Quảng Bình (1809)
  • Cần Chánh Điện học sĩ kiêm Chánh sứ sang nhà Thanh (1813)
  • Lễ bộ hữu Tham Tri (1814)

Đến năm 1820, khi vua Gia Long qua đời, Nguyễn Du được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang. Chưa kịp chuẩn bị lên đường, ông đã mắc bệnh dịch tả và mất tại kinh thành Huế. 

Dù chỉ hưởng thọ 55 tuổi nhưng cuộc đời của Nguyễn Du lại chứng kiến và đi qua bao gian nan thử thách. Tuy nhiên, chính chúng là những chất liệu tuyệt vời để ông sáng tạo ra các tác phẩm vừa mang cảm hứng trữ tình, tính hiện thực, vừa thể hiện tinh thần nhân đạo và vẻ vang hồn dân tộc. 

các tác phẩm của Tác giả Nguyễn Du

Sự nghiệp văn chương của Nguyễn Du thành công về cả dạng chữ Hán và chữ Nôm. Với tác phẩm chữ Hán, ông đã để lại 3 tập thơ là Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc Hành tạp lục. Với tác phẩm chữ Nôm, tiêu biểu nhất phải kể đến Đoạn trường tân thanh (Truyện Kiều). Ngoài ra, còn có Văn chiêu hồn (Văn tế thập loại chúng sinh). 

Tất cả đều là những tác phẩm giá trị của nền văn học Việt Nam thế kỷ 18 – 19. Trong đó, Truyện Kiều có thể nói là thi phẩm kinh điển, đưa Nguyễn Du từ một nhà thơ trở thành Đại thi hào dân tộc và Danh nhân văn hóa thế giới. 

Cảm hứng sáng tác đến từ chủ nghĩa nhân đạo 

Sống trong thời loạn lạc, trực tiếp trải qua nhiều biến cố lại từng có thời gian du ngoạn “năm châu bốn biển” nên hơn ai hết, Nguyễn Du hiểu rõ nỗi bất hạnh của những con người nhỏ bé trong xã hội lúc bấy giờ. 

Ví như ở Truyện Kiều, nếu Thúy Kiều đại diện cho sự bất lực của những con người nhỏ bé, vì bất công mà phải bước vào đường cùng thì Thúy Vân cũng không thoát khỏi xiềng xích của quan niệm cổ hủ. Cô bị đẩy vào một cuộc hôn nhân không có tình yêu, phải thay chị gả cho chàng Kim chỉ để trả nợ ân tình. 

truyện kiều của Tác giả Nguyễn Du

Mặt khác, Nguyễn Du cũng mượn hình ảnh Sở Khanh, Tú Bà, Mã Giám Sinh,… để vạch trần những thế lực xấu xa, chà đạp lên quyền được sống và hạnh phúc của con người. 

Rõ ràng, tại xã hội lúc đó, Nguyễn Du sở hữu một tư tưởng thức thời mà không mấy ai có được. Tư tưởng và cái nhìn sâu sắc đi trước thời đại này đại diện tiên phong cho trào lưu nhân đạo trong văn học Việt Nam thế kỷ 18 – 19. Thậm chí, cho đến ngày nay, sự thức thời của Nguyễn Du vẫn còn có giá trị và được thể hệ sau học tập.  

Tài năng lưu danh thiên cổ

Không phải tự nhiên khi nói về Đại thi hào của Việt Nam, người ta sẽ nghĩ ngay đến Nguyễn Du. Cũng không phải tự nhiên ông được đứng trong hàng ngũ “Danh nhân văn hóa thế giới”. Bởi lẽ, mấy ai có thể làm được như Nguyễn Du, dung hòa mối quan hệ phức tạp giữa văn hóa, ngôn ngữ và tinh thần dân tộc thời kỳ hỗn loạn trong từng tác phẩm. 

Tài năng thơ văn của Nguyễn Du không chỉ được công nhận khi ông đã qua đời mà ngay lúc sinh thời, ông đã có nhiều tác phẩm được lưu truyền rộng rãi. Chẳng hạn, ngay khi Đoạn Trường Tân Thanh vừa được sáng tác xong, danh sĩ Phạm Quý Thích – bạn thân của Nguyễn Du – đã cho khắc in ở Hàng Gai, Hà Nội. 

tác phẩm chữ hán của Tác giả Nguyễn Du

Vài chục năm sau ngày ông mất, vua Tự Đức cũng cho người vào Nghệ An thu thập các di sản của Nguyễn Du còn được lưu truyền trong dân rồi đưa về kinh thành. Nghĩa là ngay từ thời đó, người ta đã tìm thấy trong văn thơ Nguyễn Du những giá trị nhân văn sâu sắc, muốn mượn nó để nói lên những bi ai, đau khổ mà ít ai có thể diễn đạt thành lời. 

Cho đến hiện tại, hơn 200 năm sau khi ông qua đời, “Nguyễn Du” vẫn là cái tiên nổi danh ở giới văn học trong nước và trên thế giới. Đặc biệt, dưới tài văn chương của Nguyễn Du, “Truyện Kiều” thể lục bát đã trở thành một biểu tượng đại thụ cho nền văn học Việt Nam thế kỷ 18,19, đưa tiếng Việt lên một tầm cao mới và góp phần khẳng định bản sắc của dân tộc Việt trong lòng bạn bè quốc tế. 

“Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ Việt Nam đã trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ và sâu sắc”

– Học giả Đào Duy Anh đã từng nói về Nguyễn Du như vậy. 

Xem thêm các nhân vật tiêu biểu khác trong văn học Việt Nam:

Ví như tiếng lòng của nhân dân và đồng hành suốt những thăng trầm trong lịch sử dân tộc, Nguyễn Du cùng những tác phẩm của ông vẫn mãi là “bảo vật” văn hóa Việt Nam quý giá, cả ở quá khứ, hiện tại và hàng trăm năm sau nữa. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *