Chỉ mới đây thôi, sau khi đóng lại cuốn sách “Cú Hích” của 2 tác giả Richard H.Thaler và Cass T. Sunstein, tôi đã viết một lá thư gửi cho tuổi 20 của mình. Tôi không tự trách cứ mình vì những quyết định, những sự lựa chọn đã đưa ra trong quá khứ, nhưng không thể phủ nhận rằng tôi đã hối hận. Nếu như thời gian quay trở lại, có lẽ tôi sẽ cần một vài “cú hích” để đưa ra những sự lựa chọn tốt hơn. 

Tuy nhiên, cuộc đời là một chuỗi dài những ngày chúng ta phải đứng trước những quyết định và sự lựa chọn. Từ lựa chọn nhỏ nhặt xem “Tối nay chúng ta sẽ ăn gì?” hay những quyết định to lớn liên quan đến gia đình, sự nghiệp. Tin tôi đi, cuốn sách này sẽ là “trợ thủ” đắc lực giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn và khôn ngoan hơn hẳn.

Vài nét về tác giả của “Cú hích”

“Cú Hích” được viết bởi hai tác giả uyên bác, là những vị giáo sư tài ba của các trường đại học hàng đầu thế giới.

Richard H.Thaler là Giáo sư Kinh tế và Khoa học Hành vi của Charles R. Walgreen tại Khoa Kinh doanh của Đại học Chicago, nơi ông là giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Quyết định. Đồng thời, ông cũng là một Phó Nghiên cứu tại Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, nơi ông đồng chỉ đạo dự án kinh tế học hành vi. 

Chân dung hai tác giả nổi tiếng của cuốn sách "Cú Hích - Nudge"
Chân dung hai tác giả nổi tiếng của cuốn sách “Cú Hích – Nudge”

Cass R. Sunstein là Giáo sư Đại học Robert Walmsley tại trường Luật Havard, nơi ông là người sáng lập và giám đốc Chương trình về Kinh tế Hành vi và Chính sách công. Từ năm 2009 đến 2012, ông phục vụ trong chính quyền Obama với tư cách là Quản trị viên của Văn phòng Thông tin và Điều tiết Nhà Trắng. 

“Cú Hích”: Thuyết Phục Mà Không Cần Ép Buộc

“Cú Hích – Nudge” là cuốn sách nghiên cứu về hành vi và cách thức các chủ thể tư duy và tương tác với nhau dưới góc nhìn kinh tế học. Từ đó, thúc đẩy con người đi đến một hiện thực có tự do, có sáng tạo và hiệu quả. Cuốn sách được chia làm 5 phần lớn, mỗi phần sẽ vừa đưa ra những khái niệm riêng, vừa đưa ra các ví dụ thực tiễn, lại vừa khéo léo kích thích sự sáng tạo tư duy của độc giả. 

Những điểm ấn tượng nhất về “Cú Hích” 

Mở đầu cuốn sách, tác giả kể một câu chuyện về quán ăn tự phục vụ của Carolyn mà khách hàng là những cô cậu học trò nhỏ. Qua cuộc nói chuyện với người bạn của mình và các cuộc thử nghiệm, cô nhân ra một điều là cách sắp xếp trưng bày các món ăn của mình có thể tác động rất lớn đến sự lựa chọn của bọn trẻ. Tuy nhiên điều đó đã khiến cô phải đứng trước những sự lựa chọn về đạo đức và lợi nhuận. Khái niệm nhà kiến trúc lựa chọn đồng thời được giới thiệu và xuyên suốt trong cuốn sách. 

Hai mặt tư duy của con người: Tư duy trực giác và tư duy phản xạ 

Trước tiên, chúng ta hãy thử làm một bài trắc nghiệm nhỏ được trích trong cuốn sách. Hãy viết ra câu trả lời đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn: 

1/ 5 cái máy trong 5 phút sản xuất ra 5 sản phẩm, vậy 100 cái máy sẽ làm ra 100 sản phẩm trong bao nhiêu phút?____ phút. 

2/ Trong hồ có một đám bông súng. Mỗi ngày, đám bông súng tăng lên gấp đôi. Nếu đám bông súng cần 48 ngày để phủ đầy mặt hồ thì chúng cần bao nhiêu ngày để phủ đầy nửa mặt hồ? ____ ngày. 

Hầu hết mọi người cho ra đáp án lần lượt là 100 phút và 47 ngày. Tất cả đều sai! Nếu bạn ngừng lại để suy nghĩ một chút, bạn sẽ biết tại sao lại sai. Shane Frederick gọi loạt câu hỏi này là bài kiểm tra phản xạ theo nhận thức, sau khi nghiên cứu, ông đưa ra kết luận rằng đây là những câu trả lời phổ biến của đa số chúng ta, kể cả những sinh viên đại học thông minh nhất. 

Câu trả lời đúng lần lượt là 5 phút và 47 ngày. Con người là một chủ thể duy lý, thông thường đầu óc của chúng ta đều ở trong trạng thái hoạt động hiệu quả. Chúng ta có thể nhận ra những người quen sau nhiều năm không gặp, hiểu được những cung bậc cảm xúc phức tạp của ngôn ngữ, thậm chí vài người trong chúng ta có thể nói đến 12 thứ tiếng, cải thiện công suất làm việc của một chiếc máy tính hay phát minh ra cả thuyết tương đối. 

“Cú Hích” giúp chúng ta khám phá ra 2 mặt tư duy của con người.

Nhưng có những lúc chúng ta lại đưa ra những câu trả lời hết sức ngớ ngẩn cho một câu hỏi đơn giản như vậy. Điều này không có nghĩa là đầu óc chúng ta gặp trục trặc mà nó chỉ thể hiện hai mặt tư duy của con người. Đó là tư duy trực giác và tư duy phản xạ. Nói một cách dễ hiểu thì Tư duy trực giác là câu trả lời nhanh nhất xuất hiện trong đầu. Tư duy phản xạ là câu trả lời sau khi đã có thời gian suy nghĩ và đưa ra. 

Tính ỳ tâm lý và cú hích phản kháng theo hướng tích cực 

Bạn có từng giống như tôi? Khi thử một chiếc váy ở cửa hàng, bản thân tôi không thấy nó quá phù hợp với mình, nhưng nghe những lời khen của các nhân viên và người bạn đi cùng, tôi quyết định mua. Nhưng sau đó về nhà thử lại, tôi cảm thấy không thoải mái và bỏ xó nó. Hay những bậc phụ huynh ép con mình theo học ngôi trường mà họ muốn, đi theo định hướng tương lai mà họ đã vạch sẵn, mặc cho bọn trẻ có yêu thích hay không. Còn bọn trẻ, dù không thích cũng đành chấp nhận với suy nghĩ làm như thế có thể giảm bớt rắc rối, căng thẳng trong cuộc sống của chúng. 

Con người thường có xu hướng xiêu theo những lời nói của bạn bè, cấp trên hay định kiến xã hội. Điều này có nghĩa rằng chúng ta tin vì người khác tin thế. Vô tình, chúng ta giao suy nghĩ, lựa chọn của mình cho người khác định đoạt. Đó chính tính ỳ tâm lý. Chúng ta lười suy nghĩ, lười đổi mới, lười phản kháng, mặc cho người khác quyết định thay. Vậy đây chính là lúc chúng ta cần một “cú hích” để đánh bật tính ỳ đó theo hướng tích cực. 

Cú hích khuyến khích con người cứu lấy đồng loại và hành tinh

Trong chương này, tác giả làm nổi bật lên nghĩa cử hiến tạng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là số người cần ghép tạng lớn hơn nhiều so với khả năng cung cấp. Hàng loạt bệnh nhân đã chết trong khi chờ đợi để được ghép tạng.

Những người hiến tạng hầu hết là những người mắc bệnh nan y, nhưng trở ngại lớn nhất trong việc hiến tạng mà giới pháp y không thể can thiệp là sự không chấp thuận của người nhà vì điều này liên quan trực tiếp đến vấn đề đạo đức. Và Explicit Consent – một chính sách tiên tiến thể hiện nhận thức bậc cao về kiến trúc lựa chọn trong vấn đề hiến tạng ra đời. Theo chính sách này, một khi người hiến đã đồng ý thì không cần phải hỏi ý kiến các thành viên còn lại trong gia đình nữa. Đây là một cú hích lớn thúc đẩy những người có tấm lòng cao thượng có thể dễ dàng hơn trong việc đăng ký hiến tạng và kéo theo các nghĩa cử cao đẹp khác trong suốt nhiều thế hệ. 

Một cú hích nhẹ có thể khiến cả thế giới thay đổi.

Bên cạnh đó, con người luôn có tư tưởng sống thoải mái, tiện lợi và tiết kiệm nhất cho bản thân nên đôi lúc những thứ thuộc về “của chung” như: các vấn đề về ô nhiễm nguồn nước, không khí, hóa chất độc hại hay sự sụt giảm của các loài sinh vật quý hiếm trong sổ đỏ thường bị lãng quên. 

Trong cuốn sách kỹ năng này, có 2 phương án tối ưu được đề cập: 

  • Đánh thuế hay phí đối với những người gây ô nhiễm 
  • Bán quyền xả thải với một hạn ngạch nhất định, và quyền này có thể được đấu giá hay cho phép mua bán trên thị trường. 

Không phải tự nhiên mà Steven Levitt – Đồng tác giả cuốn sách Kinh tế học kỳ quái (Freakonomic) đưa ra những bình luận có cánh về cuốn sách này: 

Một cuốn sách rất giá trị! Đây là một tác phẩm đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới quan của tôi”.

Hay Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2002, đại học Princeton từng nhận xét: 

Bạn đã từng đọc một cuốn sách nhiều ý tưởng, cảm hứng, thú vị và thực tế chưa? Đây chính là một cuốn sách như vậy! Bên trong cuốn sách là viên ngọc sáng nhất của kinh tế học hành vi. Đây là cuốn sách phải đọc đối với những ai muốn nhìn thấy trí tuệ con người và xã hội của chúng ta vận hành hiệu quả hơn. Chắc chắn nó sẽ nâng tầm các quyết định của bạn và làm cho cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn”. 

Xem thêm những tựa sách kỹ năng hấp dẫn:

“Cú hích” là tựa sách hoàn hảo giúp khơi dậy và thúc đẩy bạn hành động thông minh, sáng suốt trong công việc và cuộc sống. Tôi tin chắc rằng bạn sẽ như tôi, không hề cảm thấy lãng phí thời gian của mình khi đọc cuốn sách này. Những tư tưởng, ý nghĩa mà tác giả truyền tải trong cuốn sách sẽ kích thích tư duy sáng tạo của bạn, giúp mang lại lợi ích không chỉ cho bạn mà cả cho xã hội. 

Xem sách chi tiết tại đây

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook