Thông thường, để thu thập thông tin của bất kỳ cuốn sách nào, chúng ta sẽ đọc theo thứ tự từ trang đầu tiên đến trang cuối cùng. Tuy nhiên, cách này có hiệu quả khi đọc “bút hết nặng viết hết đau” không? Theo trải nghiệm của mình thì không. Để tìm ra câu trả lời, chúng ta cùng khám phá thêm nội dung của cuốn sách trong phần tiếp theo nhé:

Nội dung “Bút hết nặng viết hết đau”

Cuốn sách có gần 90 hướng dẫn và bài tập từ cơ bản đến nâng cao, được chia làm 3 phần cho mọi người viết:

  • Phần 1: Tôi nghĩ gì khi nghĩ về chuyện viết
  • Phần 2: Tôi viết sao cho đúng, ai đọc cũng khen chuẩn
  • Phần 3: Tôi viết thế nào để đáp ứng yêu cầu công việc?

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn nội dung quyển sách trước khi mua, bạn có thể tham khảo bài Sách Bút hết nặng viết hết đau cho dân yêu viết lách. Tác giả có đề cập đến vài kỹ thuật viết mà bạn sẽ học được từ cuốn sách này.

Sai lầm của mình khi lần đầu tiên đọc “Bút hết nặng viết hết đau”

Giống những quyển sách khác, lần đầu tiên đọc “Bút hết nặng viết hết đau”, mình đọc theo thứ tự từ đầu đến cuối, tức bản thân sẽ đọc bài học trước rồi làm bài tập sau. Kết quả là bài tập của mình khô cứng về phần ngữ pháp và nông về phần ý tưởng do bản thân cố gắng nhồi nhét phần bài học đã đọc vào bài làm. Mình không tập trung suy nghĩ ý tưởng của bản thân mà bị ảnh hưởng bởi gợi ý của phần bài học.

Cách giải quyết vấn đề “đọc hướng dẫn trước rồi làm bài tập”

Vì “đọc hướng dẫn trước rồi làm bài tập” không mang đến kết quả, thậm chí còn gây tác dụng ngược, nên mình đã thử làm bài tập trước rồi mới quay lại đọc hướng dẫn. Kết quả vượt ngoài mong đợi đấy! Bạn có muốn biết mình đã thu hoạch được gì với cách đọc sách này không?

Mục đích của hướng dẫn phần 1 là gì?

Bài học của phần 1 tập trung đào sâu các trở ngại tâm lý của hầu hết những người viết mới như:

  • Nỗi sợ viết lách: sợ mình viết không hay, sợ tác phẩm của mình bị đánh giá, bị lên án …
  • Lý do, lý trấu: không có thời gian viết lách, đợi khi tôi giỏi rồi viết …

Do đó mục đích của phần này là gợi ý để bạn tự tìm ra vấn đề và giải pháp cho bản thân. Vậy tại sao mình không thể đạt được mục đích này khi đọc hướng dẫn trước rồi làm bài tập sau? Khi đọc bài của tác giả viết trước rồi mới làm bài tập, mình vô tình sử dụng ý tưởng (vấn đề của họ) làm ý của mình. Ví dụ, bài tập 1 bảo mình viết về tầm quan trọng của viết đối với bản thân. Sau khi liệt kê được vài ý tưởng, mình bỗng nhớ tới viết để phát triển nghề nghiệp của tác giả. Cái này có lý để thêm vào bài tập, nên mình cũng không chắc là bản thân đã thật sự tìm ra vấn đề chưa. Đọc bài mẫu rồi viết mang tính dẫn dắt rất cao, nhưng nếu làm bài tập rồi đọc bài học, nó lại trở thành phần thông tin vô cùng hữu ích để tham khảo, bổ sung cái nhìn mới vào tư duy của bản thân.

Hơn nữa, hướng dẫn ở phần 1 giống lời thủ thỉ tâm tình của chị gái dành cho em mình. Sau khi làm bài tập, tìm ra vấn đề, “chị gái” của bạn sẽ cho bạn biết có nhiều cây viết chuyên nghiệp cũng đã gặp vấn đề giống bạn, họ đã vượt qua thì bạn cũng có thể, chị ấy chỉ bạn cách tự vượt qua cảm xúc tiêu cực, hoàn cảnh cản trở bạn đến với con đường viết lách và làm sao để sử dụng năng lượng tiêu cực như một đòn bẩy. Ví dụ, trong bài số 9 “Buông bỏ sự hoàn hảo” của tác giả Nguyệt Hằng, mình học được cách buông bỏ sự cầu toàn để bài viết được hoàn hảo ở đúng giai đoạn của nó. Không cần đợi một bài viết hoàn hảo từ A-Z, rồi mới cho người khác thấy. Bài viết hoàn hảo từ A-E cũng có thể công khai vì bạn sẽ còn tiến bộ hơn nữa trong tương lai.

Bạn không cần phải lo lắng rằng nếu chỉ đọc đề rồi viết, bản thân không biết phải bắt đầu như thế nào. Đề bài chứa các gợi ý rất cụ thể, câu hỏi mở để bạn có thể khai thác vấn đề của bản thân. Hãy nhớ mục đích của phần này là tìm ra vấn đề của bạn rồi giải quyết, nên bạn chưa cần phải lo lắng đến việc mình viết đúng, sai, hay, dở.

Bạn cần học gì ở phần 2?

Trong quá trình luyện tập phần 2, bạn sẽ biết những điều mới (dĩ nhiên rồi) và cả những điều bạn đã từng biết. Tất cả chúng ta ít nhiều đều có sẵn vài kiến thức liên quan đến viết lách, những điều mà mình có thể bật ra như phản xạ tự nhiên. Nên sau khi làm bài tập bạn hãy kiểm tra lại nội dung bài học để xem kiến thức nào mình có sẵn rồi, kiến thức nào bản thân mới biết, cần tiếp thu. Như vậy, bạn có thể tiết kiệm thời gian học lại từ đầu.

Vậy những kiến thức mình đã biết được liệt kê trong sách có phải rất vô dụng không? Không. Ví dụ, đôi khi mình sử dụng phép so sánh, ẩn dụ như một lẽ đương nhiên, từ thói quen có tự bao giờ, nhưng bản thân không biết đó là gì, không thể gọi tên hay định nghĩa nó. Phần bài học cho mình một cái nhìn rõ ràng, đầy đủ và cách sử dụng nó sao cho hiệu quả nhất, chẳng hạn cách kết hợp dạng câu này với dạng câu kia giúp bài viết phong phú hơn, có nhịp điệu hơn.

Phần 3 dành cho ai?

Mở đầu quyển sách mình cho rằng đây chỉ dành cho ai làm trong công việc viết lách thôi, nhưng phần 3 đã thay đổi quan điểm của mình. “Bút hết nặng viết hết đau” dành cho bất cứ ai đã, đang và sẽ viết như người viết mới bắt đầu, người viết chuyên nghiệp, và tất cả các đối tượng cần viết cái gì đó đúng, tỷ như người đang đi làm, cần giao tiếp với khách hàng qua email. Nếu bạn không tin, bài tập sẽ giúp bạn kiểm chứng. Hãy làm một bài tập theo kiến thức viết có sẵn của bạn, rồi so sánh với hướng dẫn trong phần 3, bạn sẽ biết bài của mình còn có thể tốt hơn đến mức nào.

Không có sự kết nối của thông tin bắt buộc phải có giữa các bài viết trong phần 3 nên bạn có thể xem mục lục để chọn đọc bài học nào bạn đang cần trước và bỏ qua những bài không cần thiết cho nhu cầu của mình.

“Bút hết nặng viết hết đau” không phải là một cuốn sách hoàn hảo

Như tác giả Uyển Nhi trong bài “Chơi với chữ, tô điểm cho câu” có nói “Bài viết này chỉ nhắc nhở bạn vài biện pháp thông dụng, giúp bạn điểm xuyết những bông hoa độc đáo lên một rừng chữ nghĩa của mình.”, cuốn sách này chỉ đề cập đến những điều cơ bản nhất, những lưu ý giúp bạn có một bài viết đúng. Để có một bài viết hay, bạn cần đào sâu tìm hiểu từ nhiều nguồn, học hỏi từ nhiều người hơn nữa.

Bút hết nặng viết hết đau có vài bài viết về đề tài na ná nhau, đặc biệt là bài liên quan đến chủ đề quảng cáo. Như bài 55 và 68 đều đề cập đến công thức PAS, nhưng nội dung chi tiết thì khác nhau. Bạn có thể đọc cả 2 để tham khảo phong cách viết của 2 tác giả.

Mặc dù “Bút hết nặng viết hết đau” không phải bách khoa toàn thư, Mr. Biết Tuốt, nhưng đây là người mẹ đỡ đầu cho bất cứ ai đang và sẽ sử dụng kỹ thuật viết lách của mình trong đời sống, công việc, học tập, hay trường hợp nào đó. Nếu bạn quyết định rinh Bút hết nặng viết hết đau về làm sách gối đầu giường thì đặt sách ở đây nha.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

ZaloGọi điệnFacebook