Tại sao hàng triệu người dân Mỹ sẵn sàng tin theo Martin Luther King Jr. khi ông phát biểu bài diễn văn nổi tiếng: “I have a dream..”? Tại sao Apple vượt qua hàng trăm đối thủ nặng ký để giữ vị trí hàng đầu và khách hàng luôn trung thành với họ? Tất cả bí mật về những chủ đề hấp dẫn trên thế giới mà bạn sẽ không muốn bỏ lỡ, đều được giải trong cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao” của Simon Sinek.

Đây không chỉ là cuốn sách phát triển bản thân mà còn đem lại cho độc giả cách nhìn mới về con đường trở thành người lãnh đạo truyền cảm hứng. Qua kiến thức và ví dụ được chia sẻ, độc giả sẽ dần khám phá ra sức mạnh của việc đặt câu hỏi tại sao, cách áp dụng chúng trong cuộc sống, và làm thế nào để sử dụng chúng và tạo nên những điều lớn lao.

Simon Sinek – Giảng viên truyền cảm hứng tài năng của nước Mỹ

Simon Sinek, sinh ngày 9 tháng 10 năm 1973 tại Wimbledon, Anh, là một diễn giả truyền cảm hứng và tác giả nổi tiếng. Ông đã sống ở nhiều địa điểm như Johannesburg, London và Hong Kong trước khi định cư tại Mỹ. Simon Sinek được biết đến nhiều thông qua cuốn sách đầu tay “Star with Why” (2009) – “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao” và nhiều tựa sách truyền cảm hứng khác như: “The Infinite Game” (2019); “Leaders Eat Last” (2014),…

Simon Sinek
Nguồn Internet

Đồng thời, Simon cũng gây ấn tượng với bài nói chuyện trên TEDx Talk – “Start with why – how great leaders inspire action” (2009) với hơn 40 triệu lượt xem và được phiên dịch sang 47 ngôn ngữ. Kênh Youtube của ông được gần 2tr lượt follow và các video ông sản xuất được cộng đồng ủng hộ và quan tâm. Cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao” của ông được xếp hạng là “sách lãnh đạo bán chạy nhất” trong khoảng thời gian từ 2016 – 2017 theo xếp hạng của Forbes với 171,000 bản bìa mềm.

Tại sao phải đặt câu hỏi trong cuộc sống?

Chủ nhân giải Nobel Vật lý, 1921 – Albert Einstein từng nói: “Điều quan trọng là đừng bao giờ ngừng đặt câu hỏi.” Bên cạnh đó, nhiều nhà giáo dục cũng khuyên các bạn trẻ nên thường xuyên đặt câu hỏi trong cuộc sống. Chắc hẳn phải có lý do quan trọng nào đó khiến việc đặt câu hỏi lại được nhắc đến nhiều như vậy. Câu hỏi đóng vai trò gì trong cuộc sống? Tại sao nó lại quan trọng đến thế?

Câu hỏi là chìa khoá cho nhận thức và hiểu biết

Trẻ em luôn đầy tò mò và muốn biết về mọi thứ xung quanh. Chúng liên tục đặt những câu hỏi cho người lớn. Việc này giúp chúng tích lũy thông tin và hiểu biết về thế giới xung quanh.

Khi chúng ta trưởng thành, việc đặt câu hỏi trở thành một công cụ hữu dụng để nâng cao hiểu biết. Bằng cách đặt câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời, chúng ta không chỉ mở rộng kiến thức mà còn tích lũy được nhiều trải nghiệm quý báu.

Nguồn Internet

Câu hỏi đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định

Chúng ta thường nghĩ rằng những quyết định đều được tính toán và cân nhắc cẩn thận. Nhưng thực chất, việc ra quyết định thường bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thói quen phỏng đoán. Do đó, việc đặt câu hỏi trong quá trình ra quyết định giúp ta hiểu được tại sao ta ra quyết định đó cũng như tìm ra cách cải thiện nếu kết quả sau cùng không như mong muốn.

Nâng cao kiến thức và phát triển tư duy

Những câu hỏi, thắc mắc về những kiến thức, khái niệm mới là động lực mạnh mẽ để bạn nghiên cứu và tìm hiểu về chúng. Những câu hỏi kích thích sự tò mò, dẫn đến mong muốn khám phá nghiên cứu tri thức mới.

Không dừng lại ở lĩnh vực kiến thức, việc đặt câu hỏi còn giúp bạn phát triển về tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện. Việc liên tục đặt câu hỏi sẽ khuyến khích chúng ta phản biện và đánh giá về thông tin. Qua đó, chúng ta không chỉ tiếp nhận đa dạng thông tin mà còn cải thiện được khả năng tư duy độc lập và phản biện.

Như vậy, ngay khi bạn bắt đầu thắc mắc về một vấn đề nào đó thì bạn đã có thể hiểu được một phần về vai trò của việc đặt câu hỏi. Câu hỏi giúp chúng ta tìm kiếm thông tin và câu trả lời cho những thắc mắc. Bên cạnh đó, câu hỏi còn giúp ta phát triển kỹ năng, mối quan hệ và giúp ta hiểu rõ chính mình.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một người không biết đặt câu hỏi?

Đối với một số người, câu hỏi đến rất tự nhiên. Sự tò mò, khả năng nắm bắt vấn đề và kinh nghiệm giúp họ dễ dàng đưa ra những câu hỏi thú vị. Nhưng ngược lại cũng có những người gặp khó khăn khi đặt câu hỏi. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu một người không biết đặt câu hỏi?

Hạn chế khả năng giải quyết vấn đề

Đặt câu hỏi là một phần quan trọng để giải quyết vấn đề. Khi không biết cách đặt câu hỏi như tại sao? Cái gì? Như thế nào?,… chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc đối mặt với vấn đề và tìm kiếm giải pháp. Nếu không đặt câu hỏi hoặc câu hỏi quá chung chung, chúng ta có thể bỏ qua những lựa chọn tốt nhất và hiệu quả nhất.

Điều gì sẽ xảy ra nếu một người không biết đặt câu hỏi?
Nguồn Internet

Hạn chế về hiểu biết, tư duy

Câu hỏi thường đi kèm với sự tò mò, ham muốn khám phá và tính sáng tạo. Vậy nên khi một người gặp khó khăn trong việc đặt câu hỏi, người đó cũng giảm sự tò mò, động lực để tìm hiểu thêm về tri thức, thế giới xung quanh.

Không chỉ kích thích sự tò mò, việc đặt câu hỏi còn giúp chúng ta phát triển về tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện và khả năng tưởng tượng. Do đó, khi thiếu đi khả năng đặt câu hỏi, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận những thông tin được truyền đạt mà không có sự nghi vấn, phản biện.

Giao tiếp kém hiệu quả

Việc đặt câu hỏi không chỉ giúp cuộc hội thoại được tiếp diễn mà chúng còn thể hiện bạn đang lắng nghe người đối diện. Do đó, khi thiếu những câu hỏi, việc giao tiếp thường trở nên khó khăn và thiếu sự liên kết giữa những người tham gia.

Việc không biết cách đặt câu hỏi có thể khiến chúng ta bỏ lỡ thông tin hoặc hiểu nhầm ý tưởng của người nói. Việc nhầm lẫn thông tin có thể gây ra những hậu quả khó lường, đặc biệt là trong công việc, học tập.

Review cuốn sách Bắt đầu với câu hỏi Tại sao

“Hiểu được lý do TẠI SA không phải là cách duy nhất dẫn tới thành công, nhưng nó là cách duy nhất để duy trì sự thành công lâu dài, đồng thời giúp công ty có được khả năng đổi mới sáng tạo và khả năng hoạt động linh hoạt trong nhiều lĩnh vực.”

– Trích Start with Why, Simon Sinek.
Review cuốn sách Bắt đầu với câu hỏi Tại sao
Nguồn Intertnet

Không đơn thuần cung cấp kiến thức về các chủ đề kinh doanh bằng các câu hỏi tại sao, cuốn sách này đưa tới cho độc giả những ứng dụng thực tế của lý do tại sao trong các doanh nghiệp. Qua các ví dụ về Walmart, General Motor, Motorola,… Simon chỉ ra những bất lợi khi hành động không xuất phát từ lý do tại sao. Ngay sau đó, ông đã phân tích Apple và cách thương hiệu giữ vững vị trí và thu hút các “tín đồ” thông qua lý do tại sao cốt lõi.

Không giới hạn ở lĩnh vực kinh doanh, cuốn sách còn chứng minh được lý do tại sao là một chìa khoá quan trọng để mở cánh cửa thành công chocủa những người lãnh đạo. Bằng cách phân tích về thành công của những lãnh đạo ưu tú như Shackleton, Gorden Buthune hay Martin Luther King Jr., cuốn sách chỉ ra cách những nhân tài này sử dụng lý do tại sao để đối mặt và vượt qua thử thách.

Những bài học rút ra từ Bắt đầu với câu hỏi Tại sao

Có thể nói “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao” không chỉ là một cuốn sách kỹ năng về kinh doanh đơn thuần, mà còn là nguồn cảm hứng và kiến thức thực tiễn để mỗi độc giả có thể học hỏi và áp dụng trong nhiều lĩnh vực thực tiễn cuộc sống và sự nghiệp.

Khái niệm “Vòng tròn vàng” – Bắt đầu với câu hỏi Tại sao

Khi đọc cuốn sách Bắt đầu với câu hỏi Tại sao, bạn sẽ bắt gặp một khái niệm quan trọng được gọi là “Vòng tròn vàng” của Simon Sinek. Vòng tròn này được mô tả bằng 3 vòng tròn đồng tâm: WHY (Tại sao) – HOW (Như thế nào) – WHAT (Cái gì), từ bên trong ra bên ngoài. Trong cuộc sống hàng ngày, đa phần chúng ta thường bắt đầu bằng việc nói về “Cái gì” chúng ta làm, đôi khi là “Thế nào”, nhưng ít khi là “Tại sao” chúng ta làm điều đó. Sinek giải thích rằng điều này xuất phát từ sự mong muốn của con người “đi từ những điều rõ ràng nhất đến những điều mơ hồ nhất”.

"Vòng tròn vàng" của Simon Sinek.
Nguồn Internet

Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh rằng “Tại sao” là cốt lõi của mọi vấn đề. Việc hỏi “Tại sao” và “Thế nào” được kiểm soát bởi lớp não giữa (limbic brain), vùng điều khiển hành vi con người. Trong khi đó, “Cái gì” được liên kết với vùng não ngoài (neocortex), chịu trách nhiệm cho lý trí và ngôn ngữ. Do đó, nếu bạn giao tiếp từ bên ngoài vòng tròn vào bên trong, bạn có thể chỉ nhận được thông tin và dữ liệu mà không tác động đến hành vi.

Lý do “Tại sao” không chỉ là mục đích cuối cùng mà còn là lý do cụ thể: Tại sao bạn làm những gì bạn làm? Điều này có thể liên quan đến tại sao bạn tồn tại, tại sao bạn thức dậy và đi làm mỗi sáng, hoặc tại sao khách hàng nên quan tâm đến sản phẩm bạn tạo ra. Đặt càng nhiều những câu hỏi tại sao hay và sâu sắc, bạn sẽ nhận được càng nhiều sự hiểu biết và định hình rõ ràng về mục tiêu và ý nghĩa của hành động của bạn.

Bài học về lãnh đạo và niềm tin

Trong thực tế, nhiều người quản lý có khả năng quản trị xuất sắc, nhưng để trở thành một người dẫn đầu, họ cần khả năng thuyết phục và tạo ra niềm tin trong đội nhóm. Niềm tin không thể được xây dựng chỉ bằng cách giải thích hay thuyết phục. Theo Simon, niềm tin là một cảm giác và đồng thời tạo ra giá trị thực sự. Giá trị là sự chuyển đổi của niềm tin. Để thu phục niềm tin của người khác, bạn cần giao tiếp và chứng minh rằng bạn chia sẻ giá trị và niềm tin đó. Để làm điều này, bạn cần hiểu rõ về lý do tại sao bạn làm điều gì đó, và chứng minh nó qua hành động và kết quả của bạn.

Ngoài khả năng thuyết phục và xây dựng niềm tin, những nhà lãnh đạo cần những đồng đội chung chí hướng. Những người đồng hành không nhất thiết phải xuất sắc, nhưng họ cần phải phù hợp và tin tưởng vào những gì lãnh đạo đại diện. Theo Simon, yếu tố quan trọng đầu tiên cần xem xét là đam mê của ứng viên đối với lý do tại sao, mục tiêu, nguyên tắc hoặc niềm tin của nhà lãnh đạo. Sau đó mới là kỹ năng và kinh nghiệm của họ.

Bài học về lãnh đạo và niềm tin
Nguồn Internet

Truyền cảm hứng với lý do tại sao

Chúng ta thường ngưỡng mộ những người truyền cảm hứng, nhưng nhiều khi chúng ta cảm thấy khó tin rằng mình cũng có thể trở thành người đó. Simon Sinek, tác giả của cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi Tại sao”, cũng đã trải qua giai đoạn dài tuột dốc trong sự nghiệp và cuộc sống cho đến khi ông khám phá ra lý thuyết “Vòng tròn vàng” và sức mạnh của câu hỏi Tại sao.

“Nếu bạn theo đuổi lý do tại sao của mình, người khác sẽ đi theo bạn” là cách mà Simon đề xuất với độc giả của cuốn sách. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ lý do tại sao của mình và có trách nhiệm để bắt đầu với lý do đó. Khi đó, bạn không chỉ đang hướng tới thành công, đam mê của chính mình mà đó cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều người khác.

Đặt câu hỏi Tại sao là khởi đầu của sự thành công

Henry Ford từng nói: “Dù bạn tin rằng bạn có thể làm được hay không làm được, bạn đều đúng”. Câu nói của ông được trích dẫn thường xuyên như một biểu tượng của niềm tin về thành công trong mỗi cá nhân. Nếu bạn tin bạn làm được thì bạn sẽ đạt được nó. Nhưng để đạt được niềm tin này bạn cần có một lý do tại sao đủ rõ ràng, vững chắc và luôn dùng nó làm định hướng trong hành trình của mình.

“Tìm ra lý do tại sao là một quá trình khám phá chứ không phải sáng tạo” là điều mà Simon Sinek đúc kết về lý do tại sao. Khi nghĩ đến một mục tiêu lớn trong cuộc sống, có người sẽ cảm thấy lo lắng nhưng cũng có người cảm thấy tràn đầy động lực để bắt đầu. Dù trong trường hợp nào, lý do tại sao cũng đều vô cùng quan trọng. Đó không chỉ là công cụ mạnh mẽ để thuyết phục bản thân và người khác tin tưởng và hành động theo lý tưởng. Lý do tại sao còn là “la bàn” dẫn đường để bạn không rơi vào sự lạc lõng, mất định hướng.

“Bắt đầu với câu hỏi Tại sao” không chỉ giúp người đọc hiểu sâu về sức ảnh hưởng của lý do tại sao đối với sự phát triển của công ty và thành công của những người lãnh đạo. Cuốn sách còn truyền cảm hứng cho độc giả để họ bắt đầu tìm kiếm lý do tại sao của mọi hoạt động trong cuộc sống, phát huy khả năng sáng tạo, tạo ra nhiều ý tưởng mới và kích thích những phát minh mới.

ĐẶT MUA SÁCH

Xen thêm:

Simon Sinek không chỉ đưa ra những ý tưởng, mà còn chia sẻ những câu chuyện và ví dụ thực tế, khiến cho người đọc dễ dàng hiểu và ứng dụng những nguyên lý này vào cuộc sống thực tế. Từ những giá trị hấp dẫn ấy, đây là tựa sách mà mỗi người đều nên đọc ít nhất một lần trong đời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *