Một tác phẩm nói về những điều huyền diệu nhưng hàm chứa tư duy triết học sâu sắc. Triết học nhưng lại không quá hàn lâm, để những trái tim đang mưu cầu một thực tại mơ ước có thể hiện thực hóa ước mơ của chính mình. 

Nói về cuốn “Luật hấp dẫn tái nhận thức” của tác giả Minh Hiếu thật khó diễn đạt bằng một đôi lời ngắn gọn. Những tri thức, suy nghĩ, trải nghiệm từ trang đầu tiên đến trang cuối gắn kết như thượng nguồn và hạ nguồn của một dòng sông.

Ở đó, cảm xúc, trí tưởng tượng, tư duy logic đã hòa quyện vào nhau và tạo thành một dòng chảy, đôi khi ào ạt mạnh mẽ, đôi khi thâm trầm, kiên nhẫn bóc tách từng lớp vỏ bên ngoài của sự hoài nghi để khai mở Vũ trụ tuyệt diệu bên trong mỗi con người.

Đọc tác phẩm, ta thấy cái gốc của Luật hấp dẫn trong Kinh Thánh, triết lý nhân sinh sâu sắc của Kinh Phật, lại thấy Phép màu của Rhonda Byrne, Hành trình phương Đông của Dr.Blair Thomas Spalding hay tư tưởng quản lý của Maslow.

Dựa trên những tư duy nền tảng đó, tác giả đã phát triển và mở rộng trong một chiều kích khác: “Dẫu vậy, chúng ta sẽ xử lý khía cạnh này của luật hấp dẫn, một cách bình dị và phổ thông nhất, nghĩa là tất cả mọi người sẽ đều có thể thực hành nó, bất kể tín ngưỡng tôn giáo và tâm linh của mỗi chúng ta là gì” (Luật hấp dẫn tái nhận thức). Bởi vậy, nói Luật hấp dẫn tái nhận thức là một cuốn sách triết học cũng đúng, là một cuốn cẩm nang để đi tìm cái tôi chân thực, sống động, tài năng, đẹp đẽ nhất trong mỗi con người – cũng đúng. 

Tác giả đã rất cẩn trọng khi nói về phép màu nhưng lại dẫn dắt độc giả đi từ nguyên lý hoạt động của Luật hấp dẫn với khái niệm tần số năng lượng trong Vũ trụ. “Tần số năng lượng” mở ra cho độc giả những kiến thức đầu tiên, sơ khai về Luật hấp dẫn, giúp họ “nhận thức rõ bản chất của luật hấp dẫn cũng như cách mà thực tại được tạo lập thông qua luật này” (Luật hấp dẫn tái nhận thức).

Khái niệm cốt lõi của luật hấp dẫn đơn giản đến mức, ta không thể không ghi nhớ sau lần đọc đầu tiên: “Like attract like” – Những điều tương tự hấp dẫn nhau”. “Thực tại hiện hữu chúng ta đang trải nghiệm là kết quả của việc thu hút những điều có bản chất tương đồng, mà mỗi cá nhân sẽ đạt được sau một khoảng thời gian sáng tạo, dù là vô thức hay có ý thức”. (Luật hấp dẫn tái nhận thức). 

Từ nguyên lý cốt lõi của luật hấp dẫn, tác giả đi tới khái niệm được coi là kim chỉ nam của tác phẩm – khái niệm “sáng tạo thực tại”: “Tôi xin được phép gọi quá trình hấp dẫn hay thu hút những tác nhân xung quanh, nhằm hướng đến một kết quả cuối cùng, là quá trình nỗ lực sáng tạo thực tại hay quá trình thị hiện” (Luật hấp dẫn tái nhận thức). Xoay quanh hành trình sáng tạo thực tại, những triết lý và cách thức đạt đến thực tại kỳ vọng được mở ra từng lớp như cách mà người ta kiên trì dưỡng cho hoa sen nở rồi chiêm ngưỡng thành quả vậy.” 

Tác giả đã giải quyết bài toán sáng tạo thực tại như thế nào? Làm thế nào để sáng tạo thực tại?

 Độc giả thật sự bất ngờ khi lần đầu được chỉ mặt đặt tên từng lớp phục trang đang che phủ cái Tôi của chính mình. Yếu tố tâm linh, tiềm thức, hay siêu thức đều là đại diện cho những cảm xúc, năng lượng vốn có bên trong con người.

Dựa vào những luận điểm về tần số năng lượng và luật hấp dẫn, lấy “tâm linh” làm đối tượng chính để phân tích, tác giả đã đặt những nét bút đầu tiên cho hành trình đi tìm lời giải của “sáng tạo thực tại”. “Bước đầu tiên của một quá trình sáng tạo thực tại là thiết lập một “ý định”. Bạn có thể hiểu đơn giản, là khi bắt đầu bất cứ một việc gì, chúng ta đều bắt đầu nó vì một nguyên do, hay mục tiêu nào đó. Bởi phải có đích đến, bạn mới có động lực để thúc đẩy bản thân bước tiếp trên con đường mình đã chọn”. (Luật hấp dẫn tái nhận thức). 

Cứ như vậy, hành trình sáng tạo thực tại được hoàn thành, từ “Ý định” (hiểu điều mình muốn với niềm tin vững chắc), tới “Thỉnh cầu” (khẳng định và làm rõ điều mình muốn thông qua các hành động cụ thể: viết, nói, chia sẻ với người khác), “Đón nhận” (đồng ý để điều đó xảy ra một cách tự nhiên không nghi ngại), “Khai mở năng lượng” và “Cảm nhận kết quả thị hiện”.

Điều thú vị là, trong suốt quá trình đó, độc giả không hề cô đơn khi được khai sáng, dẫn lối qua những mảnh đất tri thức mới mẻ của vòng mạch trù phú, la bàn ý định – cảm xúc, cổng năng lượng, chiều không gian thứ tư hay vạn vật đồng nhất thể,…

Bản chất của quá trình “sáng tạo thực tại” có thể hiểu chính là cách mà chúng ta thay đổi cuộc đời của mình, một cuộc đời với những khát vọng, mơ ước trọn vẹn, mà theo cách tác giả nói, đó là “lựa chọn “được hạnh phúc””.

Ngạn ngữ Pháp có câu “Vouloir c’est pouvoir” – “muốn là có thể”. Thông qua suy nghĩ, cảm xúc, trí tưởng tượng và niềm tin vững chắc, con người sẽ thiết lập cho mình một siêu ý định để truyền cảm hứng sáng tạo. Chính cảm hứng này là căn nguyên chi phối mọi hành động, nhận thức của con người, thúc đẩy chúng ta đến với mục tiêu kỳ vọng theo luật hấp dẫn “Like attract like”. 

Có hay không sự mâu thuẫn với triết học khi dựa vào ý thức để giải quyết vấn đề của thực tại?

Với điểm nhìn từ “nhận thức tâm linh” của tác giả, ban đầu, chúng ta thấy có điều gì đó chưa ổn, không thật sự ổn, vì nó đi ngược lại với tri thức của triết học đương đại (vật chất quyết định ý thức): “những khía cạnh phi vật chất của ý nghĩ và cảm xúc, tiềm ẩn thứ sức mạnh to lớn, có thể kiến tạo mọi thứ đến với thực tại”.

Nhưng nếu soi chiếu tư duy logic trong con đường truyền dẫn rung cảm, có thể thấy điều ngược lại hoàn toàn: “Từng điều nhỏ nhất trong vũ trụ này đều có thể trở nên khả thi dưới góc nhìn của năng lượng. Như đã trình bày ở trên, mọi thứ khiến bạn có cảm nhận đều là do tác động của yếu tố trao đổi năng lượng…Việc sáng tạo ý thức, cũng tương tự như sử dụng một dạng đặc biệt của năng lượng, đó là năng lượng rung cảm (thông qua truyền dẫn)”. (Luật hấp dẫn tái nhận thức). 

Bên cạnh đó, tác giả cũng chỉ ra rằng việc kiểm soát và hướng tâm linh tới những điều tích cực, giống như việc chúng ta xác định rõ đích đến trong cuộc đời, mà ở đó: “Các hình dung về ước muốn sẽ khiến mọi thứ rõ ràng, và việc hòa mình vào viễn cảnh ấy sẽ mang đến một cảm giác chân thật. Từ đó bạn sẽ nhấn mạnh mọi khía cạnh của ước muốn, và sản sinh ra nguồn động lực, hứng khởi đủ lớn để tiếp tục tiến trình thị hiện” (Luật hấp dẫn tái nhận thức). 

Nhưng nếu chỉ có truyền dẫn rung cảm thôi thì chưa đủ sức thuyết phục, bởi lẽ: “Dù cảm giác có chân thực đến đâu, đó sẽ mãi chỉ là tưởng tượng nơi tâm trí, nếu bạn chỉ ngồi yên và đợi mọi thứ xảy ra. Điều đó hiển nhiên là không thể”. (Luật hấp dẫn tái nhận thức). 

Khái niệm “đồng thực hóa ước muốn” một lần nữa khẳng định sự thống nhất trong tư tưởng của tác giả với tư duy triết học: “Đồng thực hóa ước muốn, là sự kết hợp song song của hai việc: cho phép điều đó trở thành một phần trong bạn, và hiện thực hóa nó thông qua hành động”. (Luật hấp dẫn tái nhận thức). Những hành động, nghi thức dưới tầng năng lượng cao nhất sẽ giúp con người mở ra chiều không gian thứ tư, sẵn sàng thay đổi và đón nhận thực tại. 

Giá trị của phép màu

“Vũ trụ”, theo quan điểm của tác giả, có thể là đấng tối cao, Nguồn hay bất cứ vị thần nào, nhưng điều quan trọng nhất, Vũ trụ cũng là một “đồng nhất thể với con người, đều là những sinh mệnh đồng sáng tạo” (Luật hấp dẫn tái nhận thức). Nói cách khác, tạo hóa hay vũ trụ luôn ở trong mỗi chúng ta. 

Con người muốn nắm bắt và làm chủ số phận của mình, hãy học cách sáng tạo ý thức, làm chủ ước vọng của bản thân để kiên trì thị hiện những hành động và mục tiêu trong cuộc sống. Đó cũng chính là giá trị, ý nghĩa của phép màu trong hành trình kiếm tìm “hạnh phúc một cách có chủ đích” (Luật hấp dẫn tái nhận thức). 

Đặt bên cạnh những tác phẩm rất nổi tiếng về Luật hấp dẫn, cuốn sách “Luật hấp dẫn tái nhận thức” vẫn có một đời sống riêng. Điều này nằm trong quá trình tái nhận thức – sáng tạo thực tại nhưng được gắn liền với những hành động cụ thể mà tác giả Minh Hiếu đã đề cập tới. Sáng tạo nhận thức hoàn toàn không chỉ đơn giản là quá trình tự kỷ ám thị, hay thiên kiến xác nhận một chiều trong suy tưởng. Sáng tạo nhận thức vừa là kim chỉ nam, vừa là động lực tinh thần để con người kiên trì theo đuổi mục tiêu của cuộc đời. Chắc chắn, đây sẽ là một tác phẩm hứa hẹn mang tới nhiều giá trị trong việc lan tỏa tư duy sống tích cực trong thời đại VUCA (1).

(1): Thời đại VUCA: VUCA là viết tắt của Volatile (Biến động), Uncertain (Không chắc chắn), Complex (Phức tạp), Ambiguous (Mơ hồ) (Trích OKR căn bản – tác giả Trần Lôi)

Đọc thêm bài viết “50 câu trích dẫn hay từ Nhà giả kim giúp bạn thay đổi cuộc đời

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *