Tác phẩm “Rừng Na Uy” của Murakami Haruki là một cuộc hành trình trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc của tuổi trẻ: tình yêu, sự mất mát và sự trưởng thành. Nơi bạn sẽ đắm chìm vào câu chuyện của ký ức, cảm nhận nỗi đau thương và sự mong manh trong cảm xúc. Trong những trang sách đó, có lẽ bạn sẽ phát hiện ra dấu vết tuổi trẻ của chính bản thân mình trong đó.
Cuốn sách không chỉ là một câu chuyện tình buồn mà còn là một tác phẩm văn học sâu sắc về sự tồn tại và ý nghĩa của cuộc sống.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Tác giả của “Rừng Na Uy” – Murakami Haruki
Haruki Murakami sinh ra ở Kyoto, Nhật Bản vào năm 1949. Ông lớn lên ở Kobe và sau đó chuyển đến Tokyo, nơi ông theo học tại Đại học Waseda. Sau khi tốt nghiệp đại học, Murakami mở một quán bar nhạc jazz nhỏ mà ông và vợ đã điều hành trong bảy năm.
Năm 1978, Haruki Murakami đang ngồi trên khán đài của sân vận động Jingu xem trận đấu bóng chày giữa Yakult Swallows và Hiroshima Carp thì ông chợt nhận ra rằng mình có thể viết được một cuốn tiểu thuyết, ông ấy về nhà và bắt đầu viết vào đêm hôm đó.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của ông, “Lắng nghe gió hát” đã đoạt Giải Văn học Gunzou dành cho các nhà văn mới vào năm 1979. Ông tiếp nối thành công này với hai phần tiếp theo, Pinball 1973 (phát hành năm 1980) và Cuộc săn cừu hoang (phát hành năm 1982), tạo thành bộ ba “Chuột” (chùm truyện về “Chuột”).
Sau đó sự nghiệp văn học của Murakami bắt đầu nổi tiếng với tiểu thuyết “Rừng Nauy” vào những năm 1980, và tiếp nối với nhiều tác phẩm ăn khách khác như “Kafka bên bờ biển”, “1Q84,” và “Thế giới cứng cáp và cái kết của thế giới”,…
Phong cách viết truyện của ông thường xoay quanh các chủ đề như sự cô đơn, tự do cá nhân, và sự mơ hồ của thực tế, tạo nên một thế giới văn học độc đáo và lôi cuốn đậm chất Murakami. Các nhân vật của ông thường đối diện với những thách thức tâm lý sâu sắc và những tình huống bất ngờ, tạo nên sự hấp dẫn và suy tư cho độc giả.
“Rừng Na Uy” – Tiếng hát vang vọng từ nỗi đau của tuổi trẻ
Tác phẩm “Rừng Na Uy” có tên gốc tiếng Nhật là Noruwei no mori (Norwegian Wood), là một trong những cuốn tiểu thuyết vô cùng nổi tiếng của Murakami Haruki (“cứ 7 người Nhật thì có một người đọc ‘Rừng Na Uy’”), được xuất bản lần đầu vào năm 1987. Murakami đã chia sẻ rằng nguồn cảm hứng cho việc sáng tác “Rừng Na Uy” đến từ bài hát cùng tên “Norwegian Wood” của ban nhạc huyền thoại “The Beatles”.
Dù có không ít những tranh cãi xoay quanh vấn đề văn hóa và tinh thần trong xã hội Nhật Bản mà cuốn sách “Rừng Na Uy” của nhà văn Haruki Murakami mang lại. Thì tác phẩm này vẫn gây ra một làn sóng văn hóa không chỉ trong cộng đồng đọc giả trong nước Nhật mà còn trên toàn thế giới.
“Rừng Na Uy” đưa bạn đến Tokyo vào cuối những năm 1960 đầu những năm 1970, nơi ký ức của Toru Watanabe về thời sinh viên hé lộ câu chuyện ám ảnh về tình yêu, mất mát và dòng chảy của thời gian. Murakami lấy sự biến động của văn hóa và xã hội Nhật lúc bấy giờ, để phản ánh thế giới nội tâm đầy biến động của các nhân vật. Ông đi sâu vào khủng hoảng tình cảm khi phải lựa chọn giữa quá khứ và tương lai, để dệt nên một câu chuyện gợi nhớ đến nỗi nhớ và sự bất ổn của tuổi trẻ.
Câu chuyện trong “Rừng Na Uy”
Với thủ pháp dòng ý thức, câu chuyện trong “Rừng Na Uy” được viết theo dòng hồi tưởng của nhân vật chính là chàng sinh viên bình thường Watanabe Toru, một sinh viên đại học sống ở Tokyo. Toru vừa là người kể chuyện vừa phản ánh sự bối rối và phức tạp của tuổi trẻ trong việc đối mặt với tình yêu song hành cùng nỗi đau.
Cuốn sách mở đầu khi Toru nhớ lại thời thơ ấu ở Kobe, nơi anh gặp Kizuki người bạn thân thiết của mình và Naoko, bạn gái của Kizuki. Nhưng tình bạn thân thiết gắn bó của họ đột ngột tan vỡ khi Kizuki tự kết liễu đời mình một cách khó hiểu vào năm thứ hai trung học. Sự ra đi đột ngột của Kizuki đã để lại một khoảnh khắc đau lòng và để lại một khoảng trống lớn trong trái tim của Toru và Naoko, đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc sống của họ.
Sau nỗi đau và mất mát Naoko đã tìm đến Toru và bắt đầu một mối quan hệ mới đầy u ám, họ cùng nhau bước vào cuộc sống ở một Tokyo đang thay đổi nhanh chóng. Bởi vì không thể đối mặt với những cuộc đấu tranh tinh thần và sự mất mát, Naoko lựa chọn rút lui vào sự cô độc, để lại Toru vật lộn với những cảm xúc của mình và những thử thách trong mối quan hệ của cả hai người.
Khi Toru tiếp tục cuộc sống sinh viên ở Tokyo, anh được Nagasawa – một người đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu lôi cuốn nhưng ích kỷ, giới thiệu cho cuộc sống về đêm ở Tokyo. Những đêm lăng nhăng và thảo luận về cuộc sống cùng Nagasawa đã ảnh hưởng đến quan điểm của Toru một cách sâu sắc về tình yêu và sự thân mật trong các mối quan hệ.
Hành trình cảm xúc của Toru càng trở nên phức tạp hơn khi anh gặp Midori – một cô gái tràn đầy năng lượng trong khi vẫn đang cảm thấy gắn bó sâu sắc với Naoko. Cuộc sống của anh dao động giữa sự hiện diện sôi nổi của Midori ở Tokyo và sự cô độc suy ngẫm của Naoko tại viện điều dưỡng.
Câu chuyện lên đến đỉnh điểm khi việc lựa chọn giữa Naoko hay Midori khiến cho Toru thấy mình đang ở ngã ba đường. Trong khi đó trạng thái tinh thần mong manh của Naoko ngày càng xấu đi, cô luôn sống trong nỗi sợ hãi không thành lời và nỗi đau buồn chưa nguôi ngoai của bản thân mình. Cuối cùng Naoko đã tự kết liễu đời mình. Bi kịch đau lòng này buộc Toru phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt về sự vô thường của cuộc sống, để anh tiếp tục con đường chữa lành và khám phá bản thân.
Thông điệp của cuốn sách “Rừng Na Uy”
Có thể nói cốt truyện của “Rừng Na Uy” nghe có vẻ đơn giản với tràn ngập bi kịch, nỗi đau, tự tử và sex nhưng thực tế ẩn sau cốt truyện đó mang đến nội dung sâu sắc hơn nhiều.
Đằng sau những cảnh quan hệ tình dục được mô tả một cách trực tiếp là cách những người trẻ tuổi ấy khám phá về tình yêu, sự mất mát và sự tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống. Hay câu chuyện đầy ám ảnh về một cái giếng ẩn trên đồng cỏ được Naoko chia sẻ với Toru trong một lần đi dạo, là biểu trưng cho những tổn thương và nỗi đau tiềm ẩn trong tâm hồn mỗi người, những điều mà chúng ta thường che đậy hoặc lãng quên.
Những cảnh Toru đến lớp, làm việc và nói chuyện với mọi người không chỉ là để mô tả cuộc sống hàng ngày của anh, mà còn là để thể hiện sự khám phá về ý nghĩa của cuộc sống thông qua những giao tiếp và trải nghiệm đời thường. Cuộc đời của Toru có vẻ đơn giản, nhưng bên trong là một tâm trạng phức tạp và sâu sắc, đầy những suy ngẫm về bản thân và về mối quan hệ với những người xung quanh.
Chính cuộc sống đời thường của một chàng sinh viên đại học tầm thường đó đã được Murakami Haruki sử dụng để khám phá những khía cạnh tinh tế của con người và cuộc sống, đưa ra những câu hỏi lớn về tình yêu, sự tồn tại và ý nghĩa của cuộc sống. Điều rất con người đó đã mang đến cho “Rừng Na Uy” sức hấp dẫn.
Cảm nhận về “Rừng Na Uy”
Phong cách viết của Murakami với những mô tả tinh tế và những suy tư triết học sâu sắc đã làm cho “Rừng Na Uy” trở thành một trong những tác phẩm văn học Nhật Bản kinh điển hiện đại viết về tình yêu và mất mát một cách tinh tế và sâu sắc nhất.
Các nhân vật trong truyện đều được Murakami mô tả rất chân thật và đáng yêu, với sự phân tích tâm lý sâu sắc về những mối quan hệ phức tạp xung quanh. Qua việc đối mặt với mất mát và những rắc rối trong tình yêu Toru, Naoko và Midori trưởng thành và tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Mỗi nhân vật trong tác phẩm đều mang trong mình những nỗi đau riêng và đều có những sự lựa chọn khác nhau, tất cả đã tạo nên một bức tranh tâm lý phong phú và đa chiều.
Cho đến nay “Rừng Na Uy” vẫn là một tác phẩm có sức cuốn hút đặc biệt, thông qua tác phẩm người đọc không chỉ được trải nghiệm một câu chuyện tình cảm đầy cảm xúc mà còn đặt ra nhiều câu hỏi sâu sắc về bản thân và về con người.
Bất kỳ bạn là ai, bạn sống ở đâu và sống ở thời đại nào thì câu hỏi: Tôi sẽ sống cuộc sống của mình như thế nào, nếu như tôi chứng kiến cuộc sống của người khác kết thúc? Tôi sẽ tiếp tục yêu ai và ở bên ai? vẫn sẽ khiến cho bạn phải trăn trở.
Xem thêm:
- Romeo và Juliet: Tình yêu bất diệt trong bóng tối của mối thù gia tộc
- Yêu trong tỉnh thức: Tình yêu không chỉ là cảm xúc
“Rừng Na Uy” là một câu chuyện trưởng thành của tuổi trẻ đầy cảm xúc và ý nghĩa mà bất cứ ai cũng nên đọc một lần trong đời. Bên cạnh đó bạn cũng có thể xem thêm bộ phim cùng tên do đạo diễn người Pháp gốc Việt – Trần Anh Hùng thực hiện công chiếu năm 2010 để có thêm góc nhìn khác về tác phẩm nhé.