Tuổi thơ là những chuỗi ngày vô tư lự với những khám phá “xuyên trời đất” cùng đồng bạn, nhân vật Totto-chan trong cuốn truyện “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” cũng vậy. Đây là một tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi đã làm rung động rất nhiều độc giả nhỏ tuổi suốt 40 năm kể từ khi ra mắt. Khi đọc câu chuyện này, các bạn nhỏ sẽ được sống lại những vùng trời thuở ấu thơ ngọt ngào, hồn nhiên, vượt qua những định kiến áp đặt, nuôi dưỡng tâm hồn tự do khám phá theo cách của chính bản thân mình.
NỘI DUNG BÀI VIẾT
Tác giả Kuroyanagi Tetsuko và chuyến hành trình quay lại tuổi thơ cùng “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”
Kuroyanagi Tetsuko sinh ngày 09 tháng 08 năm 1933 trong một gia đình đầm ấm có bố là nghệ sĩ violin và mẹ là vận động viên bóng rổ tại Nhật Bản. Sau này khi lớn lên, bà đã quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật giống như người cha của mình và rất thành công trong nhiều lĩnh vực như diễn viên, người dẫn chương trình, nhà văn thiếu nhi, đồng thời bà còn là sứ giả thiện chí của UNICEF, một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu rất nổi tiếng tại Nhật Bản.
Theo chân quá trình phát triển sự nghiệp của Kuroyanagi Tetsuko, từ nhỏ bà đã được truyền cảm hứng nghệ thuật từ người cha của mình, vì vậy bà quyết định theo học Đại học âm nhạc Tokyo ngành Opera để trở thành một ca sĩ hát nhạc thính phòng chuyên nghiệp. Tuy vậy sau khi tốt nghiệp, bà bén duyên với nghề diễn xuất và ngành giải trí Nhật Bản, sau này bà cũng trở thành diễn viên nữ đầu tiên được ký hợp đồng với Hãng phát thanh truyền hình Nhật Bản (NHK).
Năm 1981 được xem là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Kuroyanagi Tetsuko khi xuất bản quyển hồi ký tự truyện Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ và ngay lập tức trở thành cuốn sách bán chạy nhất lịch sử Nhật Bản. Cuốn sách sau này được dịch sang 33 thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới. Đây là quyển sách vinh dự được The New York Times đăng liền hai bài giới thiệu toàn trang – một điều không phải tác phẩm nào cũng có được.
Sau thành công của cuốn sách “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”, Kuroyanagi Tetsuko đã dùng lợi nhuận từ việc xuất bản để lập một quỹ từ thiện Totto nhằm giúp đỡ những người dân đang gặp khó khăn tại Nhật Bản cũng như trên toàn thế giới. Với tấm lòng cao cả và nhân hậu của mình, vào năm 1984, bà đã được mời làm Đại sứ Thiện chí của UNICEF nhằm tôn vinh những đóng góp ý nghĩa của bà trong các hoạt động từ thiện. Năm 1999, Kuroyanagi đã cho xuất bản một cuốn sách mang tên “Những đứa trẻ của Totto-chan” với mục đích kể về quá trình hoạt động của mình với vai trò là một Đại sứ Thiện chí của UNICEF. Cho đến nay, các quỹ từ thiện của bà đã quyên góp và hỗ trợ lên đến 20 triệu đô la Mỹ.
“Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” – Ngọn đèn sáng sáng của văn học thiếu nhi Nhật Bản về bản chất giáo dục
Tác phẩm “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”chính là hồi ký tự truyện của tác giả Kuroyanagi Tetsuko, một trong những nhà văn đa tài của thế giới văn học Nhật Bản. Cuốn sách đã tái hiện lại được những hồi ức khó quên của tác giả khi bà mới chỉ là một cô bé 7 tuổi về những tháng ngày tươi đẹp tại ngôi trường Tomoe và người thầy hiệu trưởng Kobayashi đáng kính. Ngay sau khi phát hành lần đầu tiên vào năm 1981, cuốn sách đã gây được tiếng vang lớn trên toàn thể đất nước Nhật Bản và sau đó lan rộng ra toàn cầu. Từ đó đến nay, tác phẩm văn học nước ngoài này luôn là một trong những cuốn sách gối đầu giường của rất nhiều thế hệ trẻ em trong suốt 40 năm.
Cuốn hồi ký “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” được ra đời vào năm 1981, khi mà đất nước Nhật Bản vẫn còn chìm trong bom khói, lửa đạn của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II. Cũng bởi vì vậy, mọi mặt đời sống xã hội của xứ sở hoa Anh Đào đều bị đảo lộn và chìm trong đen tối trong cuộc hỗn chiến, kể cả nền giáo dục. Cuốn sách ra đời đã tô lên một màu sắc mới, với những ký ức tươi đẹp, hồn nhiên và trong sáng cho người đọc dưới góc nhìn của chính tác giả khi còn là một cô bé 6 tuổi.
Nội dung “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” xoay quanh hành trình của cô nhóc Totto-chan (chính là tên thường gọi hồi bé của tác giả Tetsuko) về tuổi thơ tự do với những kỉ niệm khó quên của bà về ngôi trường Tomoe, một ngôi trường trong mơ khác xa với nền giáo dục Nhật Bản lúc bấy giờ.
Cô bé Totto-chan là một cô bé tinh nghịch, hiếu động, ưa khám phá, cô luôn hứng thú với mọi thứ xung quanh và luôn làm theo ý thích của mình. Kể cả nền giáo dục nghiêm khắc của Nhật Bản cũng không thể kìm hãm trí tưởng tượng và niềm đam mê tìm kiếm những điều mới mẻ của cô bé. Trong giờ học, cô bé luôn chân luôn tay mở rồi lại đóng cái ngăn bàn ở bàn học của mình hàng trăm lần mà không nghe cô giáo giảng. Lần khác, em còn đứng cạnh bên cửa sổ, gọi những người hàng rong qua trò chuyện với mình và rủ họ cùng nhau hát bài hát gì đó cho vui. Vì vậy, giáo viên chủ nhiệm đã đề nghị với mẹ của Totto-chan về việc cho cô bé chuyển đến một ngôi trường khác vì lo sợ em sẽ làm ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn khác trong lớp.
Mẹ của Totto-chan đã rất lo lắng về cô con gái hiếu động của mình, bà lo rằng sẽ không ngôi trường nào chịu nhận một cô bé nghịch ngợm như Totto-chan bởi vì chuyện này không phải là lần đầu tiên xảy ra. May mắn thay, một ngôi trường tên Tomoe được tạo thành từ những toa xe điện cũ, nơi có người thầy Kobayashi đáng kính đã chấp nhận cô bé học sinh hiếu kỳ này.
Từ khi theo học tại ngôi trường trong mơ Tomoe, Totto-chan cảm thấy được tự do khám phá những điều mình thích mà không cần phải nghe theo một khuôn phép nào. Cô bé kết bạn được với nhiều bạn mới, những người bạn giống mình và cả những người bạn khuyết tật nữa. Ngôi trường cũng không có thời khóa biểu cố định mà để cho học sinh tự do học những môn học mà mình yêu thích, chỗ ngồi cũng là tự chọn, học sinh có thể chọn chỗ ngồi ở đâu tùy theo sở thích của chúng. Đặc biệt hơn cả, Totto-chan cực kỳ thích thú khi sau mỗi giờ học, học sinh sẽ được giáo viên dẫn đi dạo hoặc đi vận động ngoại khóa.
Từ đó, Totto-chan đã kết thân được với nhiều bạn hơn, đặc biệt là người thầy hiệu trưởng đáng kính và một cậu bé bị bại liệt tên Yasuaki, để rồi hai đứa trẻ đã cùng nhau quyết tâm leo lên nấc thang cao nhất và tận hưởng “ngôi nhà trên cây” của Totto-chan.
Và người thầy hiệu trưởng Kobayashi chính là một hình mẫu một người giáo viên mẫu mực và quan tâm học sinh. Ông cho học sinh của mình được tự do khám phá bản thân mình qua những giờ học ngoại khóa, được tìm hiểu về động vật, cây cối và được thăm thú chỗ này chỗ kia, chúng thậm chí còn được ở lại trường sau giờ tan học. Thầy hiệu trưởng Kobayashi là người có thể khơi gợi được những khả năng tiềm tàng bên trong mỗi đứa trẻ, cho dù đó là một cô bé nghịch ngợm như Totto-chan hay là một cậu bé bại liệt như Yasuaki.
“Chẳng có gì tuyệt diệu hơn là để các em thỏa sức chơi đùa và được do thổ lộ những tâm tư tình cảm hồn nhiên, ngộ nghĩnh của mình. Đừng bao giờ ngăn cản chúng nhé! Bởi trong mỗi chúng ta đã từng có một thời như thế cơ mà!”
Đây là một trong những đoạn trích hay trong “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”, là lời thoại của chính người thầy hiệu trưởng Kobayashi, người đã thắp sáng ước mơ cho rất nhiều trẻ em trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc của Nhật Bản. Ông luôn dành thời gian lắng nghe những câu chuyện, những tâm tư của những cô cậu học sinh thân yêu của mình. Có lần ông đã dành hẳn 4 tiếng chỉ để ngồi nghe cô bé tinh nghịch Totto-chan kể hết câu chuyện này đến câu chuyện khác. Chính sự giáo dục đầy nhiệt huyết và cởi mở của thầy đã chắp cánh ước mơ cho nhiều đứa trẻ trong ngôi trường Tomoe, và trong đó có cả cô bé Totto-chan.
Tuy rằng ngôi trường Tomoe không lâu sau đó đã bị phá hủy do chiến tranh, nhưng những ước mơ bé bỏng của những cô cậu bé học sinh thì vẫn luôn ở đó, mang theo một ký ức đẹp không thể nào quên trong tuổi thơ của chính họ.
Câu chuyện nhân văn đằng sau cuốn sách “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”
Qua những giới thiệu sách “Totto-chan bên cửa sổ”, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta sẽ cảm thấy như được quay lại tuổi thơ, quay lại cái thời được cắp sách tới trường. Không chỉ đơn giản là kể lại những câu chuyện thơ ấu, tác giả đã khéo léo lồng ghép các sự kiện mà cô bé Totto-chan trải qua, tạo ra tính giáo dục cao cho tác phẩm. Giúp tái hiện lại tình trạng Nhật Bản thời kỳ thế chiến, cho độc giả cảm nhận được mái ấm tại Tomoe, nơi những đứa trẻ có tính cách và tâm hồn tự do có thể được khai phóng mà không bị kìm hãm.
Cuốn sách gợi nhớ lại những thứ tưởng chừng như đã mất đi trong xã hội, những thứ bình dị, xưa cũ, nhưng nó cũng mang đến một góc nhìn hiện đại trong nền giáo dục đó chính là cách giáo dục không theo quy tắc dập khuôn. Chính cách giáo dục này đã mang lại cho những đứa trẻ nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui và chúng được nuôi dưỡng và phát triển những ước mơ bé nhỏ của mình theo một cách rất tự nhiên.
Thông qua đó, tác giả khuyến khích và động viên những bạn nhỏ tinh nghịch, hồn nhiên và yêu thích khám phá tiếp tục theo đuổi những sở thích của mình, chắc chắn sẽ có một “mái ấm” cho mình, những người giống như các bạn vẫn ở đâu đó ngoài kia cùng đồng hành với các bạn. Đừng vì những luật lệ hà khắc mà từ bỏ và đánh mất chính mình. Đây cũng là xu hướng giáo dục hiện đại trên thế giới ngày nay, cho thấy tác phẩm của Kuroyanagi có nội dung vượt thời gian và sống mãi với độc giả nhỏ tuổi cho đến mai sau.
Cuốn sách “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” đã đem lại một góc nhìn rất khách quan cho nhiều độc giả về những ước mơ con trẻ, về những thứ rất hồn nhiên và trong sáng của tuổi thơ qua những câu chuyện đáng yêu của cô bé Totto-chan với ngôi trường Tomoe thân yêu.
Xem thêm:
- Chuyện con mèo dạy hải âu bay – Lời hứa và tình yêu không ranh giới
- Alice ở xứ sở thần tiên – Hành trình nhiệm màu cho trẻ em suốt 158 năm
Qua những bài học và thông điệp được truyền tải qua cuốn sách thiếu nhi “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ”, độc giả có thể cảm nhận được rõ nét những tâm tư, tình cảm của chính nhân vật trong truyện và cùng họ mơ về một nền giáo dục thực sự cở mở, khoa học, lành mạnh hơn cho trẻ em.