Có một sự thật không thể phủ nhận: “câu chuyện nghịch cảnh” như Trúc nghịch mùa không còn là điều gì đó hiếm lạ nữa.

Khi những đứa trẻ sinh ra trong gia đình thiếu hụt kinh tế phải sớm bươn chải nắng mưa kiếm cơm ăn, tối đến chong đèn học tập cho một tương lai đổi đời, thì những “rich kid” trong mắt người khác cũng đang vùng vẫy thoát khỏi cuộc đời bị sắp đặt. Hay những con người tài năng bị gắn mát ô dù cũng đang phải phấn đấu, nỗ lực ngày đêm để chứng minh thực lực, vị trí của bản thân.

Vậy Trúc nghịch mùa có gì đặc biệt mà có thể nổi lên giữa muôn vàn câu chuyện nghịch cảnh khác? Trước khi tìm hiểu sâu hơn điểm đặc sắc của quyển sách, chúng ta cùng đi sơ qua nội dung của nó:

Trúc nghịch mùa – khi bất hạnh là những món quà

“Trúc” trong tiêu đề tác phẩm là tên của tác giả cũng là hình ảnh cây trúc mà cô dùng để so sánh, hình dung cách mình đối mặt với nghịch cảnh của bản thân.

“Dù đông lạnh hay nắng nóng, trúc vẫn xanh lá quanh năm. Dù gió mưa bão ngã, trúc chỉ uốn chuyển cong cành mà không hề gãy rạp. Đó chính là đặc tính dẻo dai, kiên định, thể hiện cho sức sống bền bỉ dài hạn của Trúc.”

Trúc nghịch mùa có hai phần:

Phần 1: Đời cho ta khắc nghiệt

Ở đây, Trúc Lê kể lại những hoàn cảnh khắc nghiệt mà cô từng trải qua về gia đình, tình yêu, công việc, tiền bạc và những món quà (những bài học) cô bị động nhận được.

Phần 2: Ta cho mình bền gan

Khi nhận ra nghịch cảnh ở phần một đã giúp cô có được những bài học nào, thì phần hai nói về sự chủ động của tác giả trong hành động. Chẳng hạn, cô chủ động học cách quản lý tiền bạc tốt hơn sau những món nợ khổng lồ mẹ mình để lại.

Điểm đặc sắc của Trúc nghịch mùa

Bạn đã hiểu đúng hai từ “nghịch mùa” chưa?

Sau khi đọc tóm tắt nội dung cuốn sách có thể bạn nghĩ đâu phải ai cũng là đối tượng nhận quà như tác giả. Nếu cuộc sống trôi qua êm ả như trước giờ vẫn vậy, thì họ đâu có cơ hội nhận được quà.

Theo nội dung Trúc nghịch mùa thì Trúc Lê nhận được hai loại quà. Một là món quà cuộc đời bắt cô phải nhận được hoặc té sấp mặt trong quá trình đi nhận quà. Hai là món quà tự cô chủ động nhận bằng cách vượt qua vùng an toàn của bản thân. Chẳng hạn, dù đã trả xong nợ, tức bước qua nghịch cảnh, nhưng cô vẫn chủ động học cách quản lý tiền bạc tốt hơn. Tất nhiên, hành động này mang đến cho tác giả rất nhiều lợi ích trong cuộc sống sau này.

Do đó, suy nghĩ của bạn chỉ đúng với món quà đầu tiên. Nhờ có nghịch cảnh mẹ cô trốn nợ, bỏ nhà đi sáu năm, tác giả mới nhận được “quà” (tự học cách thắt khăn quàng cổ, tự ủi quần áo, tự làm bài tập …). Trong điều kiện cuộc sống bình yên, tác giả chủ động đi ra vùng an toàn để nhận những món quà khác như học nấu ăn, giảm cân, học cách quản lý tiền để biết yêu bản thân hơn.

Như vậy, nghịch mùa ở đây là nghịch cảnh theo nghĩa đen, là vùng an toàn của bạn theo nghĩa bóng. Ở bất cứ thời điểm nào bạn đều có thể chủ động nhận quà để nuôi dưỡng một đôi cánh cứng cáp, sẵn sàng đối đầu với bất cứ hoàn cảnh nào.

Chuyến tàu ngược dòng thời gian và buổi trà chiều

Mình từng được đọc và nghe kể về nhiều câu chuyện “vượt qua nghịch cảnh”. Hầu hết đều được kể lại theo dạng hồi tưởng. Ví dụ, “5 năm trước, 10 năm trước, tôi từng khờ dại, từng ngây thơ, từng ngu ngốc làm điều này, phạm lỗi chỗ kia…”. Lúc nghe những câu tương tự như vầy bạn biết mọi thứ dù đau khổ ra sao đều đã kết thúc rồi. Cách này giúp tâm trạng người đọc nhẹ nhàng hơn khi tiếp thu câu chuyện, nhưng đồng thời nó cũng cướp đi một phần chân thật của câu chuyện. Tại sao lại nói vậy? Bộ người kể nói xạo à? Không, chỉ là họ không cho chúng ta có cơ hội gặp phiên bản ngây thơ, vụng về đó.

Con người không ai có tư duy, suy nghĩ đúng đắn ngay từ ban đầu. Tất cả chúng ta đều cần trải nghiệm để nhận về kết quả của sự trưởng thành. Đến với Trúc nghịch mùa, bạn được trải qua cả hai dòng chảy cảm xúc này. Phần đầu tác giả đưa người đọc lên một chuyến xe lửa quay ngược thời gian để họ cùng cô trải qua những câu chuyện đau thương đó một lần nữa. Phần sau là buổi uống trà tâm tình của tác giả với bạn đọc. Lúc này cô mới kể lại cảm xúc của mình ở thời điểm hiện tại đối với những chuyện đã qua, nên không khí có phần trầm lắng hơn.

Có thể bạn sẽ cảm thấy khó chịu khi đọc đoạn nào đó trong phần trải nghiệm. Ví như, một phiên bản Trúc Lê ngây thơ, đơn thuần, chân thành nuôi dưỡng tình yêu, không toan tính thiệt hơn nghĩ “Anh ta biết mình có lỗi, nhưng vẫn không chọn tôi mà chọn người con gái đó, xóa sạch những gì tôi đã cố gắng giúp đỡ anh”. Ban đầu đọc đến đây, mình thấy khá khó chịu nhưng suy cho cùng, đây là suy nghĩ hầu hết ai cũng có trong quá trình chuyển tiếp để vượt qua đau khổ và trưởng thành hơn. 

Rõ ràng tác giả có thể kể lại sự lụy tình, đau khổ, ngốc nghếch vì yêu của mình dưới cái nhìn của một người trưởng thành để làm giảm nhẹ đi cảm giác “sai lầm” trong câu chuyện đó nhưng không. Trúc Lê không che giấu, cô cho chúng ta thấy con người chân thật nhất của mình, con người không hoàn hảo, nhiều khuyết điểm, nhưng rất chân thành. Hơn nữa, cách miêu tả lại cảm xúc tại thời điểm đó cho người đọc tự suy ngẫm nhiều hơn là trực tiếp đưa ra bài học ngay từ đầu. Tại sao Trúc Lê lại muốn một người đàn ông đã phản bội quay lại chọn mình vì mình đã giúp đỡ anh ta rất nhiều? Đó là mục đích của tình yêu ư? Có thể tác giả biết nghe rất sai nhưng cô muốn bạn tự ngẫm ra cái sai đó. Đọc quyển sách này bạn phải kiên nhẫn để nhìn thấy sự trưởng thành của tác giả. Dù cô kể câu chuyện tình yêu của mình ở ngay chương hai nhưng đến chương năm cô mới nói cho bạn biết:

“Người đàn ông phụ thuộc mình thì chưa chắc yêu thương mình, vì nếu yêu thương mình thì họ sẽ cố gắng để không nhận sự lệ thuộc đó.”

Vì Trúc Lê chỉ tả lại cảm xúc lúc diễn ra một mốc sự kiện nào đó nên tạo được tình huống bất ngờ. Bạn đừng tưởng đây là một cuốn sách đọc chương đầu đã biết chương cuối viết gì. Ví dụ, cô viết về những cảm xúc tốt đẹp với mẹ mà không nhiễm bất kỳ sự oán hận nào ở chương sau, nên mình nghĩ “À, tới đây chắc bất hạnh ở khía cạnh gia đình đã kết thúc rồi. Tuy nhiên, qua chương sau, tác giả lại tặng mình một chữ “nhưng”.

Tại sao bạn không mua quyển sách này?

Nếu bạn chỉ nhìn độ dày và giá của quyển sách mà chưa tìm hiểu nội dung, chắc không nhiều người muốn mua đâu.  Nó thật sự rất mỏng so với giá 120.000 VNĐ. Tuy nhiên, bạn biết đó, cái chúng ta, người đọc sách, yêu sách mua là nội dung, thông điệp, câu chuyện của quyển sách chứ không phải giấy. Nếu bạn muốn biết sâu hơn về câu chuyện nghịch cảnh của Trúc Lê, cách cô đối mặt với nó và món quà mà cô nhận được, bạn có thể đặt sách ở đây nha. Trường hợp bạn đang tìm sách hay về cuộc sống khác, bạn có thể tham khảo năm cuốn này.

Dù bạn bị động hay chủ động đối diện với “nghịch mùa”, bạn cũng hãy chọn “vượt qua” như Trúc Lê trong Trúc nghịch mùa. Nếu nghịch cảnh là một ngọn núi, bạn phải lựa chọn trèo lên đỉnh núi hoặc đứng tại chỗ. Chọn vế đầu khó đấy, mệt đấy. Nhưng một khi vượt qua được nó, đỉnh núi sẽ trở thành bệ đỡ để bạn nhìn thấy những cảnh đẹp mà khi đứng dưới chân núi bạn không thể nào thấy được. Nhìn cùng một khung cảnh ở hai vị trí cao thấp khác nhau, bạn sẽ biết sự quý giá của bốn từ “vượt qua nghịch cảnh”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *