Liệu có bao giờ chúng ta cảm thấy lạc lõng, cô đơn giữa thế giới luôn luôn xoay chuyển này? Nếu đã từng như vậy, có lẽ bạn cũng sẽ đồng cảm với nhân vật cậu bé Rê-mi trong cuốn tiểu thuyết văn học nổi tiếng “Không gia đình” của đại thi hào Hector Malot. Đây được coi là một trong những tác phẩm kinh điển trong nền Văn học nước ngoài nói chung và nền Văn học Pháp nói riêng, thu hút được rất nhiều thế hệ độc giả đón đọc. 

Cho đến ngày nay, cuốn sách “Không gia đình” đã được dịch sang nhiều thứ tiếng và cho xuất bản trên nhiều quốc gia trên thế giới. Thậm chí cuốn sách này còn được chuyển thể thành bộ phim điện ảnh được đông đảo người xem đón nhận. 

Hector Malot – Người cha đẻ của những tác phẩm văn học giàu tính giáo dục và nhân văn

Hector Malot (1830-1907) là một đại thi hào người Pháp được sinh ra tại La Bouile, một vùng quê tại miền Bắc nước Pháp. Trước khi trở thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng, ít ai biết ông đã từng học và tốt nghiệp ngành Luật ở Rouen và Paris, sau đó ông làm việc cho một văn phòng luật sư cho đến năm 25 tuổi. Không lâu sau, vị thi hào người Pháp quyết định chuyển đến Paris và làm việc cho một tờ nhật báo tại pháp. Tại đây, ông chủ yếu viết những chủ đề về du lịch hoặc hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, lúc này ông cũng đã bắt đầu sáng tác những cuốn tiểu thuyết và quyết định theo đuổi đam mê của mình.

Hector Malot (1830-1907)
Nguồn Internet

Cuốn sách đầu tiên mà Hector Malot cho xuất bản chính là cuốn “Những người tình” (1859) và đã thành công vang dội. Sự kiện này đã giúp ông phát triển sự nghiệp lên một nấc thang mới và tiếp tục cho xuất bản những cuốn tiểu thuyết khác cũng nổi tiếng không kém. Trong suốt quá trình “chắp bút” của mình, ông đã sáng tác trên dưới 70 tác phẩm, các tác phẩm của Hector Malot hầu như đề cao tình yêu con người, có thể kể đến như: “Romain Kalbris” (1869), “Baccara” (1886), cùng với hai tác phẩm rất nổi tiếng không thể không nhắc tới là “Không gia đình” (1878) và “Trong gia đình” (1893). Trong đó, cuốn sách “Không gia đình” được xem là một thành tựu rất lớn đối với Hector khi đã lột tả được hết một bức tranh xã hội phức tạp dưới góc nhìn của một cậu bé vô gia cư.

Với lối kể chuyện hấp dẫn, phong phú và sự am hiểu tâm lý trẻ thơ, “Không gia đình” của Hector Malot đã chạm đến trái tim người đọc với nhiều cảm xúc khó tả, niềm cảm thông sâu sắc với những hoàn cảnh sống khác nhau trong xã hội. Ngoài ra, những tác phẩm của ông cũng là một liều thuốc chữa lành hiệu quả khi mà nhà văn đã thể hiện rõ tình yêu thương giữa con người với con người vẫn luôn được lan tỏa trong một xã hội đầy rẫy những khó khăn và phức tạp.

“Không gia đình” – Cuốn sách kinh điển dành cho mọi thế hệ

Nhắc tới Hector Malot là chúng ta không thể không nhắc đến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông – cuốn sách “Không gia đình” (tên gốc là “Sans Famillie”). Tác phẩm này được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1878 và đã trở thành cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi yêu thích của nhiều thế hệ trẻ em Pháp nói riêng và trẻ em trên toàn thế giới nói chung. Có thể thấy, Hector Malot đã có những cảm nhận rất tinh tế về tâm hồn trẻ thơ, cuốn tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ những quan sát thực tế của ông về xã hội Pháp thời bấy giờ, khi mà những hoàn cảnh éo le phải bươn chải kiếm sống, vật lộn ngoài đường phố. Nhưng dù vậy, họ vẫn luôn mang trong mình một ước mơ, một niềm tin mãnh liệt về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc sau này. 

Nguồn Internet

Cuốn tiểu thuyết “Không gia đình” của Hector Malot đã mang về cho ông rất nhiều giải thưởng và thành công rực rỡ, trong đó phải kể đến là giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Pháp. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã cho dịch và xuất bản lại cuốn sách này sang nhiều thứ tiếng khác nhau. Sau này, cuốn sách được chuyển thể thành phim điện ảnh và thu hút đông đảo sự quan tâm từ công chúng.

Bức tranh phản ánh hiện thực xã hội và tình yêu thương con người qua tiểu thuyết “Không gia đình”

Cuốn tiểu thuyết kể về cuộc hành trình đi tìm gia đình thật của cậu bé Rê-mi, một cậu bé mồ côi và trải qua rất nhiều khó khăn. Cũng trên chuyến hành trình đó, cậu đã gặp gỡ rất nhiều người tốt giúp đỡ mình, trong đó phải kể đến nhân vật ông Vitalis – một người hát dạo. Hãy cùng điểm qua một vài nhân vật chính xuất hiện trong câu chuyện “Không gia đình” dưới đây:

  • Nhân vật chính, cậu bé Rê-mi: Cậu bé bị bỏ rơi từ nhỏ và được mẹ nuôi chăm sóc và yêu thương hết mực, tuy nhiên người cha nuôi đã bán cậu đi cho ông Vitalis – người hát dạo. Sau khi vượt qua bao nhiêu trắc trở và gian truân, cuối cùng cậu cũng tìm được gia đình thật sự của mình.
  • Ông Vitalis: Một người hát dạo kiếm cơm trên đường phố. Sau khi nhận nuôi Rê-mi vì bị cha nuôi bán đi, ông đã dạy cho cậu bé rất nhiều kinh nghiệm sống giúp cậu trưởng thành hơn. Hai người họ đã thật sự coi nhau như cha con ruột, yêu thương và chở che cho nhau. Tuy nhiên, sau này, ông Vitalis đã qua đời khi đi lang thang trên đường phố.
  • Mattia: là người bạn chí cốt của Rê-mi, cậu có niềm đam mê với nghệ thuật và biết chơi rất nhiều thể loại nhạc cụ khác nhau. Cậu đã quyết định cùng Rê-mi đi chu du khắp nơi để tìm được gia đình thật của Rê-mi.
  • Arthur: là một cậu bé tật nguyền được truyền cảm hứng rất nhiều từ Rê-mi – một người có ý chí sống mạnh mẽ. Họ gặp nhau lần đầu tiên trên con thuyền của mẹ Arthur, khi mà Rê-mi đang đi lang thang vì ông Vitalis bị bắt ở Toulouse.
  • Joli-Coeur, Capi, Zerbino và Dolce: những con vật hát dạo cùng với ông Vitalis, và chú chó tên Capi đã gắn bó với Rê-mi suốt cuộc đời của cậu.
  • Lise: là con gái út của gia đình đã cưu mang Rê-mi. Trải qua một cơn sốt hồi còn nhỏ, cô đã không còn nói được, tuy nhiên cô bé rất hiểu chuyện và ngoan ngoãn. Cô yêu thương mọi người trong gia đình và đặc biệt là Rê-mi, người đã dạy cô chơi vĩ cầm. Sau này, hai người họ kết hôn và sống với nhau suốt đời.
Nội dung chính của tiểu thuyết không gia đình
Nguồn Internet

Nội dung chính của tiểu thuyết xoay quanh một cậu bé có một hoàn cảnh sống rất đặc biệt – Rê-mi. Cậu mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sau đó được một gia đình nhặt được và nhận nuôi, Người mẹ nuôi luôn yêu thương Rê-mi hết mực nhưng người cha nuôi thì có vẻ không như vậy. Ông đã cố tình bán Rê-mi cho một người hát rong ngoài phố, và đó chính là ông Vitalis. Sau khi được nhận nuôi bởi ông Vitalis, Rê-mi đã có những cuộc hành trình thú vị nhưng cũng rất chông gai, đầy thử thách. Cậu đã được ông Vitalis truyền dạy rất nhiều thứ, và cậu cũng nhận được tình yêu thương vô bờ bến từ “người cha” của mình.

Từ đó cuộc đời Rê-mi gần như gắn liền với gánh hát rong cùng với ông Vitalis và những con thú đi cùng họ, bao gồm một chú khỉ và ba chú chó. Họ cứ thế sống qua ngày bằng cách rong ruổi khắp đất Pháp và hát rong kiếm sống. Trong quá trình đó, không ít khó khăn ập tới, có những lúc cậu bé suýt chết rét ngoài đường hoặc phải nhịn đói nhiều ngày. Thậm chí, cậu còn bị bỏ tù khi chỉ mới là một đứa trẻ. Dù gặp phải nhiều khó khăn như vậy, Rê-mi không hề tỏ ra bi quan và khát vọng sống của cậu luôn tỏa sáng. Cũng chính lúc ở trong tù, cậu đã gặp lại được mẹ ruột và cô em gái của mình. Cuối cùng niềm hạnh phúc đã thật sự đến với cậu bé hồn nhiên ấy, chứng minh cho câu nói: “Ở hiền chắc chắn sẽ gặp lành”.

Đến với cuốn tiểu thuyết này, độc giả không những được theo chân cậu bé Rê-mi trên hành trình mưu sinh của mình mà còn có thể cảm nhận được tình yêu gia đình, tình yêu giữa con người với con người. Trên chuyến hành trình đó, không ít khó khăn ập đến với một cậu bé với tuổi đời còn quá nhỏ, nhưng không vì vậy mà cậu bé trở nên yếu đuối, bi quan. Cậu đã tiếp tục sống và  vượt qua mọi thử thách, chông gai xảy đến với mình. Chính sự dạy bảo đúng đắn của ông Vitalis đã khiến cho cậu bé ấy thêm vững tin vào cuộc đời và tiếp tục hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn.

Dấu ấn của cuốn tiểu thuyết “Không gia đình” đối với nhiều thế hệ độc giả

Sự thành công trong những cuốn sách của Hector Malot đến từ những chi tiết cảm động, khiến người đọc cứ thế bị cuốn vào những trang sách của ông. Cuốn tiểu thuyết thiếu nhiKhông gia đình” cũng như vậy, nó không chỉ chứa đựng những cảm xúc đặc biệt mà còn được thiết kế một cách rất đẹp mắt, thu hút nhiều độc giả trên toàn thế giới. Cuốn sách được thiết kế rất độc đáo, bìa sách được thiết kế theo một nét riêng nhưng vẫn rất đồng bộ với Tủ sách Văn học kinh điển Thế giới. Bởi vậy, cuốn sách luôn thu hút rất nhiều độc giả không chỉ về nội dung mà còn về cách thiết kế bìa rất độc đáo.

Dấu ấn của cuốn tiểu thuyết “Không gia đình”
Nguồn Internet

Với sức ảnh hưởng to lớn như vậy, tiểu thuyết “Không gia đình” đã được đạo diễn Antoine Blossier chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2018. Bộ phim nhìn chung vẫn giữ được tinh thần của cuốn tiểu thuyết gốc, nhưng được kể lại dưới góc nhìn mới mẻ hơn. Nếu xem phim, chắc chắn các bạn sẽ đắm chìm vào những cảnh đồng quê Châu Âu thơ mộng và sự kết hợp ăn ý cũng như diễn xuất tài tình của các diễn viên trong phim.

Qua cuộc phiêu lưu của cậu bé Rê-mi, độc giả sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, buồn có, vui có, cảm thông cũng có. Từ một cậu bé mồ côi không cha không mẹ, Rê-mi đã gặp được rất nhiều người bạn đồng hành tốt, những người chia sẻ tình yêu thương với cậu bé, khiến cậu không bỏ cuộc mà cố gắng vượt qua được mọi nghịch cảnh và khát khao về một tương lai tươi đẹp sẽ đến với mình. Cái kết của câu chuyện chính là minh chứng cho những sự nỗ lực và niềm tin vào cuộc sống của cậu bé.

Xem thêm những tựa sách thiếu nhi hấp dẫn khác:

Từ khi xuất bản đến nay, cuốn sách “Không gia đình” vẫn luôn là một cuốn sách gối đầu giường của nhiều thế hệ trẻ em trên toàn thế giới. Cuốn sách là những câu chuyện phiêu lưu của cậu bé Rê-mi tốt bụng, biết cảm thông và dũng cảm. Dù vậy, những thông điệp và những bài học ý nghĩa mà tiểu thuyết mang lại cũng khiến cho nhiều người trưởng thành phải suy ngẫm. Vì vậy, không hề sai khi nói rằng đây chính là cuốn sách dành cho mọi lứa tuổi, không chỉ riêng thiếu nhi.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *