Được xuất bản nhân dịp kỷ niệm 10 năm phát sóng chương trình Ngày trở về của Đài truyền hình Việt Nam, cuốn sách cùng tên Ngày trở về sẽ mang đến cho bạn những câu chuyện cảm động và sâu sắc của 7 nhân vật – 7 người con xa xứ. 

Những nhân vật dù khác nhau về độ tuổi, công việc, có người không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, thậm chí từng không biết một chữ tiếng Việt, nhưng tất cả họ đều một lòng bền bỉ tìm về nguồn cội, tìm về quê hương, tìm về gốc rễ trên mảnh đất Việt Nam. 

Cuốn sách “Ngày trở về “đặc biệt viết bởi những người con xa xứ

Ngày trở về – Mẹ ơi, con là người Việt Nam là cuốn sách đặc biệt được xuất bản vào ngày kỷ niệm 10 năm phát sóng chương trình cùng tên “Ngày trở về – Mẹ ơi, con là người Việt Namcủa Ban truyền hình đối ngoại VTV4. 

Ngày trở về

Thông qua cuốn sách, độc giả sẽ được lắng nghe câu chuyện ngày trở về quê hương của 7 tác giả, cũng là 7 nhân vật tiêu biểu nhất trong số hàng chục khách mời đã xuất hiện trong chương trình suốt một thập kỷ qua. Trên hành trình cuộc đời, họ đã nhận ra “sợi dây” gắn kết thiêng liêng giữa bản thân và mảnh đất hình chữ S thân yêu. Đó chính là lý do vì sao họ muốn tìm về và góp phần cống hiến cho sự phát triển của quê hương. 

Các tác giả, nhân vật đặc biệt góp mặt trong cuốn sách này có thể là những doanh nhân, giáo sư, bác sĩ,… với sự nghiệp cực kỳ thành công hoặc cũng có thể là người bình thường, bị buộc phải rời xa Việt Nam trong thời loạn:  

  • Nhà phát minh Trần Ngọc Phúc, người đã tạo ra máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số (HFO) mang tên Hummingbird dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng vào năm 1982. Hiện tại, ông đang là chủ tịch Tập đoàn MeTran, chuyên sản xuất thiết bị y tế tại Nhật Bản. 
  • Bác sĩ David Dương Bảo Long, là một giảng viên của Đại học Y Harvard. Hiện tại, ông cũng đang giữ vị trí phó giám đốc Tổ chức Hợp tác vì sự phát triển y tế Việt Nam (HAIVN) kiêm người sáng lập tổ chức phi chính phủ Crossing Borders, chuyên đưa tình nguyện viên người Mỹ và người Mỹ gốc Việt về chữa bệnh cho người dân tại Vĩnh Phúc và Phú Thọ. 
  • Doanh nhân Daniel Nguyễn Hoài Tiến, là người sáng lập hợp tác xã nông nghiệp VEGGI, tạo kế sinh nhai cho bà con gốc Việt tại Louisiana bị mất việc sau trận bão Katrina và vụ tràn dầu trên vịnh Mexico. Hiện tại, anh cũng đang vận hành Công ty Sông Cái Distillery với sứ mệnh đưa nông sản và kỹ thuật sản xuất đồ uống có cồn của Việt Nam ra thế giới. 
  • Doanh nhân Tần Lê, là người đã phát minh ra chiếc mũ đọc sóng não gây sốt toàn cầu EPOC và đồng sáng lập công ty chuyên nghiên cứu công nghệ não Emotiv System. 
  • Giáo sư – Tiến sĩ Kiều Linh Caroline Valverde, hiện đang giảng dạy về văn hoá Việt Nam và Châu Á tại Đại học UC Davis (California). 
  • Nữ kỹ sư Lê Duy Loan, là người châu Á đầu tiên và là nữ lãnh đạo duy nhất trong ban lãnh đạo kỹ thuật của hãng công nghệ toàn cầu Texas Instruments. 
  • Emma Phạm Thị Chín, “đứa trẻ” khiếm thính từng bị đưa ra nước ngoài trong Chiến dịch không vận trẻ em Babylift năm 1975, là nhân vật có cuộc đời trắc trở nhất trong số các nhân vật tham gia chương trình.
tác giả Ngày trở về

Mỗi người dù sinh ra ở những đất nước khác nhau, có số phận khác nhau và theo đuổi những con đường sự nghiệp khác nhau, nhưng ở họ đều tồn tại một điểm chung là có gốc gác Việt Nam, mang trong mình dòng máu Việt.

Ấn phẩm kỷ niệm 10 năm “Ngày trở về” 

Không chỉ là một tác phẩm tự truyện, Ngày trở về – Mẹ ơi con là người Việt Nam còn là tài liệu quý giá ghi lại những câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình của những người con đất Việt xa xứ. 

Ra đời trong một dịp đặc biệt, Ngày trở về – Mẹ ơi, con là người Việt Nam như một món quà mà Ban Truyền hình đối ngoại VTV4 dành tặng cho những khán giả của chương trình Ngày trở về. Đây là một chương trình thực tế được yêu thích, phát sóng vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Chương trình đã dùng chính những câu chuyện có thật của những người gốc Việt đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài để góp phần lan tỏa tình yêu với con người và văn hóa Việt Nam. 

chương trình Ngày trở về

Sách do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào năm 2020, dày 187 trang, nội dung được chia thành 2 phần:

  • Phần một “Sự kết nối” là những bài viết khắc họa hành trình của 4 chân dung Daniel Nguyễn Hoài Tiến, Caroline Kiều Linh Valverde, Tần Lê và Lê Duy Loan. 
  • Phần hai “Tiếng gọi bên trong” là các bài viết khắc họa hành trình của 3 chân dung David Dương Bảo Long, Trần Ngọc Phúc và Emma Phạm Thị Chín. 
sách ngày trở về

Trên hành trình tìm lại nguồn cội, có người trở về vì muốn biết “Tôi là ai?”. Có người trở về để tìm đáp án cho câu hỏi “Nhiệm vụ của tôi với cộng đồng là gì?”. Nhưng cũng có người chỉ đơn giản là “tôi phải sống để trở về quê hương mình.”

Hành trình tìm về cội nguồn thiêng liêng

Với những hình ảnh tư liệu đặc sắc trên mỗi trang sách, người đọc sẽ được tận mắt “chứng kiến” hành trình trở về và chung tay xây dựng đất nước của các nhân vật. Mỗi người họ được ví như một mảnh ghép góp phần tạo nên bức tranh đầy màu sắc về tình đồng bào gắn kết thiêng liêng. 

Dù được sinh ra ở Việt Nam hay nước ngoài, dù đã từng đặt chân đến Việt Nam hay chưa, dù có biết nói tiếng Việt hay không, nhưng sau cùng, tất cả đều mang trong mình tấm lòng hướng về Tổ quốc. Ví như doanh nhân Daniel Nguyễn Hoài Tiến. Sinh ra tại Mỹ, tuổi thơ không có nhiều ký ức về Việt Nam, thậm chí đã từng không có nhận thức rằng mình là người Việt Nam. Nhưng chỉ vì muốn tìm hiểu ý nghĩa cái tên của mình, anh đã trở về để giờ đây đóng góp sức mình đưa nông sản Việt ra thế giới.  

“_ Em có biết tên em là gì không? 

_ Em đoán nó có nghĩa là tiền (Money) 

_ Không, tên của em là Hoài Tiến. Hoài nghĩa là mãi mãi, Tiến nghĩa là đi về phía trước. Đó là một cái tên rất hay và có ý nghĩa. 

_ Lúc đó tôi cảm giác bị sốc. Tôi nghĩ mình sống bao nhiêu năm mà chưa bao giờ hiểu được cái tên của mình. Đó có thể coi là điều làm tôi thấy tự hào và là động lực vô cùng lớn để tôi tìm hiểu về nguồn gốc của mình.” 

  • Doanh nhân Daniel Nguyễn Hoài Tiến
Doanh nhân Daniel Nguyễn Hoài Tiến

Quyết định nối lại sợi dây liên kết giữa bản thân với quê hương, họ bất chợt nhận ra những nét tính cách đậm bản sắc Việt vốn đã có sẵn trong mình. Ngay cả khi không tự ý thức được gốc gác Việt Nam nhưng những lần ba mẹ trò chuyện bằng tiếng Việt hay cách ăn cơm dùng đũa vẫn là một phần ký ức đã in sâu trong tâm trí mỗi người.

Việt Nam cũng đem đến cho họ cảm giác thân thuộc như là nhà, là một tương lai rõ ràng và vững chắc. 

“Việt Nam không giàu về vật chất nhưng giàu về tình cảm. Điều đó thực sự đã giúp tôi vượt qua khó khăn.” 

Bác sĩ David Dương Bảo Long.

Sau cùng, cuốn sách không chỉ là tâm sự của những người con xa xứ, mà còn giúp những người đang sống trên mảnh đất hình chữ S hiểu hơn về cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Nhìn vào những thành công của họ, chúng ta có thể tự hào rằng:

‘Việt Nam cũng tài giỏi không kém gì các nước khác, và Việt Nam đáng được tôn trọng và nể phục trong mắt bạn bè quốc tế.” 

  • Nữ kỹ sư Lê Duy Loan
nội dung sách Ngày trở về

Xem thêm:

Đọc xong cuốn sách Ngày trở về, bạn sẽ nhận ra dù ở bất cứ đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào, nguồn cội vẫn luôn là điều thiêng liêng mà không ai có thể phủ nhận. Qua câu chuyện cuộc sống của 7 nhân vật trong cuốn sách nói riêng và của hàng chục khách mời khác trong chương trình Ngày trở về VTV4 nói chung, ta cũng có thể tự hào Việt Nam tuy nhỏ bé nhưng tài năng không hề thua kém bạn bè năm châu. Đây sẽ là lời nhắc nhở thấm thía dành cho các bạn trẻ xa quê rằng hãy cố gắng phát huy sức mạnh của tri thức và trí tuệ Việt, tiếp nối hành trình làm rạng danh tổ quốc. 


Nguồn trích dẫn: Tác phẩm “Ngày trở về” 

Nội dung: Tổng hợp và review bởi DIMI BOOK
Hình ảnh: Internet
(*) Bản quyền bài viết thuộc về DIMI BOOK. Vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ “DIMI BOOK” hoặc “dimibook.com” khi chia sẻ hoặc trích dẫn trên các nền tảng khác.

Mua sách tại đây

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *